(HNM) - Ở nước ta hiện nay, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội chiếm khoảng 25% dân số. Thế nhưng, mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; đội ngũ cán bộ còn mỏng và chưa được đào tạo chuyên nghiệp.
Ít người được tiếp cận dịch vụ
Khác với hoạt động từ thiện, công tác xã hội hướng đến trợ giúp cho cá nhân, gia đình, nhóm người, cộng đồng, nhất là các đối tượng yếu thế phát triển khả năng, sử dụng nguồn lực riêng của họ hoặc của cộng đồng, xã hội để giải quyết những vấn đề khó khăn. Công tác xã hội cũng hướng đến hỗ trợ giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống bạo lực, bất bình đẳng giới… Hoạt động từ thiện thường giúp đối tượng giải quyết vấn đề tức thời nên kết quả không bền vững, còn công tác xã hội trang bị cho đối tượng kiến thức, kỹ năng có thể giải quyết vấn đề ở hiện tại và tương lai, nên kết quả đạt được mang tính bền vững. Do đó, công tác xã hội là một trong những công cụ bảo đảm an sinh, công bằng xã hội.
Một lớp tập huấn kỹ năng “nghề” công tác xã hội năm 2017. |
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, nước ta hiện có 7,5 triệu người cao tuổi; gần 9 triệu người nghèo, 5,4 triệu người khuyết tật, gần 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm cùng hàng trăm nghìn người có HIV, nghiện ma túy, người bị bạo lực, bạo hành, bị mua bán… Nhóm đối tượng này (khoảng 25% dân số) cần được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội.
Tiếc rằng, hiện chỉ có ngành LĐ-TB&XH hình thành mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, với hơn 400 cơ sở trên phạm vi cả nước, trong đó có 34 cơ sở công lập cung cấp dịch vụ chuyên sâu. Ngành Y tế, Giáo dục mới triển khai thí điểm với phạm vi, quy mô nhỏ. Không chỉ thiếu về số lượng, dịch vụ công tác xã hội hạn chế về cơ sở vật chất, ít loại hình dịch vụ, chưa đủ năng lực cung cấp dịch vụ trợ giúp. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn mỏng, được đào tạo từ những ngành, nghề khác nhau. Vì thế, số người có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội mới đạt 28%. “Quy định liên quan đến công tác xã hội ở nước ta cũng còn thiếu. Khuôn khổ pháp lý phát triển nghề này chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong luật, chưa có luật quy định riêng về công tác xã hội trợ giúp đối tượng yếu thế”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định.
Phải sớm xây dựng hành lang pháp lý
Khẳng định sự cần thiết phải phát triển nghề công tác xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với "nghề" này.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng, văn bản pháp luật về nghề công tác xã hội cần được quy định ở tầm luật thì khung pháp lý mới đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thực tế. Theo ông Nguyễn Hải Hữu, tên gọi của luật có thể là luật thực hành công tác xã hội. Nội dung của luật quy định rõ về người hành nghề, chuẩn thực hành công tác xã hội, đạo đức nghề; việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề; việc thành lập, tổ chức hoạt động, giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan…
Cùng với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nhà nghiên cứu chỉ rõ sự cần thiết phải mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo "nghề" công tác xã hội. Bởi, theo “Đề án quốc gia phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”, đến năm 2020, nước ta cần 60.000 cán bộ công tác xã hội được đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ cho khoảng 40 triệu dân. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, cả nước mới có khoảng 600 cán bộ quản lý được đào tạo, hơn 10.000 cán bộ cấp cơ sở, cộng tác viên công tác xã hội được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực công tác xã hội, bà Tiêu Thị Minh Hường, Trường Đại học Lao động - Xã hội mong muốn các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành này thống nhất, bài bản, khoa học; có chính sách khuyến khích người dạy và người học; tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động này.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhiều trường hợp chịu sự hành hạ, bạo lực về thể xác, tinh thần trong thời gian dài mới tìm đến trung tâm công tác xã hội. Lý do vì họ không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu, tìm đến người thân thì thường nhận được lời khuyên “xấu chàng hổ ai, ngày xưa mẹ cũng chịu đựng bố con như thế”, hay “phận làm con cố nhịn, dù sao cũng không có ai thương con hơn bố, mẹ”… “Xã hội còn coi nhẹ hành vi bạo lực, xâm hại, nhất là bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em thì hoạt động can thiệp, hỗ trợ của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội với đối tượng yếu thế còn gặp nhiều khó khăn”, ông Đặng Hữu Bình nói.
Trước những thực trạng trên, việc phát triển "nghề" công tác xã hội thực sự là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, để "nghề" này phát triển, trước hết phải có hành lang pháp lý phù hợp, và nhận thức xã hội về "nghề" phải được nâng cao, đầy đủ và toàn diện hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.