(HNM) - Ngày 19-5, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) và Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường tỉnh Bình Dương phát hiện một khối lượng khổng lồ sữa Dutch Lady của Công ty FrieslandCampina Việt Nam chôn tại bãi rác của Xí nghiệp Xử lý chất thải Nam Bình Dương.
Điều đáng nói đây không phải là việc làm của đơn vị tiêu hủy sữa (Công ty Friesland Campina), mà lại là hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng của đơn vị có chức năng chính là xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, đối tác ký kết "xử lý" 15.000 tấn sữa tiêu hủy của FrieslandCampina.
Như vậy là sau một loạt sự kiện gây hại cho môi trường của các doanh nghiệp bị cảnh sát môi trường phanh phui gây chấn động dư luận, nhưng xem ra lại không gây tác động nhiều tới các doanh nghiệp, thậm chí cả một đơn vị có chức năng xử lý chất thải cũng đã dám làm bậy vì lợi nhuận. Có lẽ đem chôn số sữa kia thì họ sẽ được hưởng khoản tiền khá lớn từ hợp đồng trị giá 20 tỷ đồng với Công ty FrieslandCampina.
Dễ thấy là vì lợi nhuận mà một số doanh nghiệp đã "nhắm mắt làm liều". Năm ngoái, cả nước có 4.545 vụ, 1.300 tổ chức, 3.128 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, biện pháp xử phạt vẫn là hành chính, chỉ có 79 vụ, 109 bị can bị xử lý hình sự (chiếm 1,7%). Mà phạt hành chính thì cũng chưa ra đầu, ra đũa. Ví dụ tại TP Hồ Chí Minh, năm 2009 xử phạt gần 360 doanh nghiệp, nhưng mới chỉ có khoảng trên 50% số ấy chấp hành phạt. Những vụ nghiêm trọng như Vedan (Đồng Nai), Hào Dương (TP Hồ Chí Minh) đến nay vẫn chưa đủ căn cứ xử lý hình sự, để lại dấu hỏi lớn cho dư luận.
Quy định mới nhất tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, với hành vi xả nước thải, tùy vào cấp độ vi phạm, lượng nước thải, sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500 triệu đồng. Mức phạt này đã cao gấp hơn 7 lần quy định cũ (mức phạt tối đa là 70 triệu đồng), nhưng dường như vẫn chẳng đáng là bao so với chi phí hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng mà doanh nghiệp phải tiêu tốn để đầu tư một hệ thống xử lý chất thải. Vì thế nhiều công ty đã cố tình trì hoãn thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, sẵn sàng nộp phạt rồi lại vi phạm. Như vụ Công ty Tung Kuang ở Hải Dương vừa bị phát giác, từ cuối năm 2007 đến nay cũng đã 2 lần bị phạt hành chính. Nhưng rút cuộc vẫn hoàn vi phạm. Công ty này thừa nhận, mỗi lần xả thải trộm họ lời ra được khoảng 100 triệu đồng. Như vậy, số tiền mà Tung Kuang tiết kiệm được trong 5 năm qua lớn hơn nhiều so với vài trăm triệu đồng tiền phạt.
Cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở các cấp. Đó là nhận thức đơn giản, thái độ dễ dãi, thậm chí vì lợi ích nhỏ của địa phương mà sẵn sàng làm ngơ trước hậu quả lớn, xử lý nương tay, hệ quả là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được đà, coi thường pháp luật bảo vệ môi trường. Như vụ việc nói trên thì ngay cả đơn vị có chức năng xử lý chất thải cũng đã ngang nhiên làm trái.
Đã đến lúc cần có biện pháp xử lý mạnh hơn nữa. Trước mỗi vụ việc vi phạm bắt buộc công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và buộc phải có biện pháp khắc phục triệt để. Doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng phải bị đình chỉ hoạt động, khắc phục xong hậu quả mới được tiếp tục sản xuất. Đặc biệt, cần xem xét đến hiệu quả của bộ máy chính quyền cấp cơ sở với những cán bộ trực tiếp chịu trách nhiệm về lĩnh vực môi trường, có biện pháp kiên quyết xử lý tình trạng thiếu trách nhiệm, thậm chí làm ngơ, "bảo kê" cho vi phạm, bởi đây cũng là một triệu chứng của bệnh "nhờn thuốc".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.