Trong 6 tháng đầu năm 2012, các hãng hàng không có tên tuổi trên thế giới đã liên tục tăng chuyến và mở đường bay mới tới Việt Nam.
Khu vực làm thủ tục tại Cảng Hàng không Nội Bài - Ảnh minh họa
Đầu tháng 6/2012, hãng hàng không Emirates Airline (các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) chính thức mở rộng mạng lưới toàn cầu sang Việt Nam thông qua việc mở đường bay thẳng hàng ngày Dubai – TP Hồ Chí Minh, được kết nối với 120 điểm đến tại khắp các châu lục trong mạng đường bay của hãng, trong đó có 31 điểm tại châu Âu, 22 điểm tại châu Phi, 16 điểm tại Trung Đông, 11 điểm tại vùng Bắc và Nam Mỹ, 19 điểm tại khu vực Tây Á và Ấn Độ Dương.
Hãng hàng không Kenya Airways cũng vừa mở đường bay đến Việt Nam và chỉ định Công ty du lịch Vacation Travel và Công ty cổ phần du lịch Tây Hồ làm đại diện tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đây là hãng hàng không châu Phi thứ hai có đường bay nối tuyến từ Việt Nam sang châu Phi.
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh vừa cho biết Hãng hàng không Air Astana của Kazakhstan sẽ mở đường bay nối TP Hồ Chí Minh và Kazakhstan vào đầu năm 2013. Đại diện hãng đã làm việc với ngành du lịch thành phố và các công ty lữ hành bàn việc hợp tác và chuẩn bị cho những hoạt động quảng bá.
Theo kế hoạch, hãng sẽ mở đường bay từ Kazakhstan đến TP Hồ Chí Minh, quá cảnh tại Bangkok (Thái Lan), với tần suất 3 chuyến/tuần. Hãng hàng không Air Astana đã hoạt động được 10 năm và hiện có 50 đường bay quốc tế và nội địa với các loại máy bay như Airbus, Boeing...
Trước đó, đầu tháng 5/2012, hãng hàng không Finnair (Phần Lan) đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam và lựa chọn Công ty Du lịch Biển Đông làm tổng đại lý. Tại Việt Nam, Finnair có sản phẩm liên doanh với các hãng hàng không khác, gồm Vietnam Airlines, Cathay Pacific, Jetstar để tạo các điểm trung chuyển kết nối với chuyến bay của Finnair đến Helsinki, các điểm nội địa Phần Lan và hơn 60 điểm đến châu Âu.
Cuối tháng 3, Hãng hàng không United (Mỹ) và ANA (Nhật Bản) thông báo mở rộng Liên doanh xuyên Thái Bình Dương, cho phép hai hãng này hợp tác về giá, mạng bay trên tuyến Việt Nam - Mỹ bắt đầu từ ngày 1/4/2012. Trong tháng 3, Hãng Saudi Airlines Cargo (Saudi Arabia) cũng triển khai dịch vụ chở hàng từ TP.HCM tới vùng Trung Đông và Frankfurt (Đức), với tần suất 2 chuyến/tuần. Hàng không Philipnes Cebu Pacific khai trương đường bay mới Manila - Hà Nội với tần suất 2 chuyến/tuần.
Cục Hàng không Việt Nam nhận định, Việt Nam có thị trường hàng không tăng trưởng khá cao, năm 2011 đạt mức 14%.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 48 hãng hàng không mở đường bay đến Việt Nam, đồng thời dự báo đến cuối năm sẽ có 5 hãng hàng không đăng ký mở đường bay mới hoặc mở lại đường bay đến Việt Nam, bao gồm Air Hongkong (Trung Quốc), Jeju Air (Hàn Quốc), Saudi Arabian Airlines (Saudi Arabia), United Airlines (Mỹ) và Air China Cargo (Trung Quốc). Và sẽ tiếp tục có nhiều hãng hàng không nước ngoài tìm đến thị trường Việt Nam, như Silk Air của Singapore đang có nguyện vọng mở đường bay tới Hà Nội, bên cạnh việc khai thác đường bay đến Đà Nẵng.
Cùng với sự xuất hiện của các hãng hàng không ngoại, các hãng hàng không nội địa như Vietnam Arilines, Air Mekong, Vietjet Air... cũng đang có chiến lược củng cố phát triển, khẳng định vị trí, xây dựng thương hiệu, tiến hành quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa... hướng đến đầu tư tăng trưởng hiệu quả trong tương lai và góp phần gia tăng hình ảnh quốc gia trên thị trường toàn cầu.
Mới đây nhất, ngày 27/6, Hãng hàng không Vietnam Airlines vừa chính thức khai thác đường bay thẳng Hà Nội - Thành Đô (Trung Quốc), với tần suất 3 chuyến/tuần vào các ngày thứ Tư, Sáu và Chủ nhật bằng máy bay Fokker 70. Đây là đường bay thẳng thứ 6 của Vietnam Airlines đến Trung Quốc, nâng tổng số chuyến bay hàng tuần giữa hai nước mà hãng trực tiếp khai thác lên 36 chuyến. Thành Đô là điểm đến thứ 27 trong mạng đường bay quốc tế của Vietnam Airlines.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.