Cùng với chất cấm, vấn nạn lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang trở thành mối lo ngại của cơ quan quản lý trong nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng hiện nay.
Từ những năm 1950, kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi với hai mục đích chính: một là để chống các loại bệnh trong trang trại quy mô lớn nhưng thiếu vệ sinh, hai là nhằm kích thích tăng trưởng cho vật nuôi.
Một người phát ngôn của chiến dịch “Trang trại chứ không phải nhà máy” ở Anh được lập ra nhằm chống lại việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cho biết: “Điều kiện vệ sinh quá bẩn, quá tải trong chuồng trại khiến các con vật nuôi cắn xé lẫn nhau và lây bệnh qua vết thương. Nhiều con có hệ thống miễn dịch kém và bị lây bệnh từ mẹ khi bú. Chính những điều đó khiến các trang trại lớn buộc phải sử dụng kháng sinh để cứu chữa”.
Chất kháng sinh đã trở thành một cuộc cách mạng hóa trong ngành nông nghiệp, cho phép nông dân nuôi những con lợn, gà, bò béo mẫm trong thời gian ngắn mà không cần phải cho chúng ăn nhiều. Tuy nhiên, liên tục sử dụng một liều kháng sinh lượng thấp hàng ngày trong chăn nuôi sẽ tạo môi trường cho các khuẩn tăng cường khả năng kháng thuốc.
Kháng sinh được đưa vào trong cơ thể gia súc, gia cầm hàng ngày trong các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. |
Theo các nhà khoa học, sử dụng kháng sinh để chữa trị cho các con vật khi chúng bị ốm hay phòng ngừa các bệnh thường thấy như lở mồm long móng là một việc làm đúng đắn và có trách nhiệm. Tuy nhiên, dùng chính những hoạt chất chữa bệnh cho người đó để kích thích tăng trưởng cũng như vỗ béo vật nuôi trong môi trường thiếu vệ sinh sẽ khiến cho sức khỏe của chính con người gặp nguy hiểm.
Vào cuối năm 2009, Ấn Độ xuất hiện một loại vi khuẩn mới mang gene NDM - 1, đó là “Superbug” (Siêu khuẩn). Siêu khuẩn kháng sinh có khả năng đề kháng với nhiều loại thuốc và chúng khiến việc điều trị chữa bệnh ở người gặp khó khăn, thậm chí dẫn đến trường hợp bệnh nhân tử vong. Mỗi năm có ít nhất 23.000 người chết tại Mỹ vì kháng thuốc khi mắc những bệnh truyền nhiễm. Nếu như không có hành động thiết thực ngay lập tức để hạn chế lạm dụng kháng sinh trong nông nghiệp, thì theo kết quả nghiên cứu của một trường đại học ở Anh, đến năm 2050 số người chết vì những bệnh nhiễm khuẩn kháng thể nhiều hơn chết vì ung thư.
Cũng trong tháng 11 năm ngoái, một loại siêu khuẩn mới đã được phát hiện tại một trang trại nuôi lợn ở Trung Quốc và lan rộng ra toàn cầu. Các chuyên gia y tế cảnh báo loại gene có trong khuẩn đó có thể chống lại colistin, chất kháng sinh được coi là liều thuốc cuối cùng trong điều trị những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Loại khuẩn đó đã lan sang các nước phương Tây khi có ghi nhận ca mắc bệnh ở bang Pennsylvania và New York (Mỹ) vào tháng 5 vừa qua.
Tại Mỹ, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi chỉ trong vòng 10 năm từ 1960 đến 1970 đã tăng gấp 6 lần. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc lạm dụng thuốc kháng sinh đang “tạo ra một thế hệ kháng sinh vô hiệu”. Tại hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2013, một nhóm bộ trưởng khoa học đã đưa ra một thông báo cảnh báo về tình trạng kháng thuốc (AMR), coi đây là thách thức đe dọa an ninh sức khỏe trong thế kỷ 21.
Nhằm đảm bảo với người tiêu dùng, các tập đoàn quản lý chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như McDonald’s, Subway và Taco Bell cam kết sẽ không sử dụng thịt từ các con vật nuôi sử dụng thuốc kháng sinh hàng ngày. Là khách hàng tiêu thụ thịt nông trại nhiều nhất tại các nước phát triển, cam kết của các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh sẽ giúp thúc đẩy ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, mà thay vào đó áp dụng phương pháp chăn thả tự nhiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.