(HNM) - Sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) khởi tố 22 bị can về 3 tội danh trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 9-1-2020 tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), các thế lực thù địch ra sức cho rằng, nhóm thủ phạm - nhóm “Đồng thuận” là các “dân lành”, chỉ thực hiện hành vi “tự vệ”. Thực tế hoàn toàn trái ngược, vì đây là ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức trong thời gian dài, trực tiếp gây ra những hành vi phạm pháp nghiêm trọng.
Lợi dụng khiếu kiện để gây rối trật tự công cộng
Nhóm “Đồng thuận” hình thành từ năm 2013, khi Lê Đình Kình (nguyên là lãnh đạo xã Đồng Tâm) cùng một số người dân không đồng tình với phương án dồn ô, đổi thửa đất nông nghiệp của chính quyền nên đã tổ chức khiếu kiện liên quan đến đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm. Từ cuối năm 2013 đến tháng 9-2014, nhóm này có 3 kiến nghị, tố cáo với 48 nội dung. Cuối năm 2014, UBND huyện Mỹ Đức kết luận có 23 nội dung tố cáo là “có cơ sở”, 24 nội dung tố cáo là “không có cơ sở” và 1 nội dung không thuộc thẩm quyền (đất quốc phòng thuộc phạm vi sân bay Miếu Môn). Nhóm “Đồng thuận” không đồng ý 15 nội dung và tiếp tục kiến nghị đến cấp trên. Tháng 6-2015, UBND thành phố Hà Nội kết luận chỉ có 1/15 nội dung phản ánh là “có cơ sở”, 14 nội dung là “không chính xác” và “không có cơ sở”.
Cùng với gửi đơn kiến nghị, tố cáo, số công dân khiếu kiện do Lê Đình Kình đứng đầu tổ chức phát tờ rơi nói xấu, xúc phạm cán bộ xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức; kêu gọi nhân dân phản đối, không nhận đất sản xuất, kêu gọi không đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp… Nhóm này còn gây khó khăn cho công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ xã Đồng Tâm; ngăn cản phiên đấu giá đất của chính quyền địa phương…
Cùng với giải quyết đơn thư, thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức, xã Đồng Tâm triển khai nhiều mặt công tác để khắc phục những sai phạm, thiếu sót trong công tác quản lý đất đai của xã Đồng Tâm, như: Thu hồi, giải phóng mặt bằng các diện tích đất lấn chiếm, sử dụng trái phép trên địa bàn xã; luân chuyển nhiều cán bộ chủ chốt tại địa phương; xử lý số cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật… Đến cuối năm 2016, việc xử lý, giải quyết sai phạm, tồn tại cơ bản được triển khai có hiệu quả.
Từ giữa năm 2016, nhóm “Đồng thuận” xoay sang tổ chức khiếu kiện liên quan đến “đòi đất” quốc phòng (sân bay Miếu Môn), thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Mặc dù các nội dung khiếu nại, tố cáo đã được huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng giải quyết và khẳng định diện tích đất tại khu vực "đồng Sênh" là đất quốc phòng, nhưng nhóm của Lê Đình Kình không đồng tình, liên tiếp tổ chức nhiều hoạt động gây phức tạp tình hình địa phương.
Đáng chú ý, từ giữa tháng 2-2017, khi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai thi công dự án A1 trên đất quốc phòng tại xã Đồng Tâm thì Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Ba, Nguyễn Văn Doanh đã huy động nhiều người ra ngăn cản. Nghiêm trọng hơn, nhóm “Đồng thuận” đã thu khoảng 600 triệu đồng để xây một “căn nhà cộng đồng” làm nơi tụ tập, thực hiện các hoạt động ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ. Cùng với đó, nhóm này dùng loa tuyên truyền sai sự thật, rằng chính quyền bán đất cho doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp bán đất cho đối tác nước ngoài thu hàng nghìn tỷ đồng; dưới đất "đồng Sênh" có vàng nên phải kiên quyết giữ để đòi đền bù và khi đó mỗi cá nhân sẽ có hàng trăm triệu đồng… để tạo ra “bánh vẽ”, đánh vào lòng tham của một số người thiếu hiểu biết.
Nghiêm trọng hơn, trong các ngày 1 và 7-3-2017, nhóm “Đồng thuận” tổ chức gây rối tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm. Đến giữa tháng 4-2017, sau khi tiến hành khởi tố vụ án hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã tiến hành bắt khẩn cấp 4 đối tượng cầm đầu là Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Ba và Nguyễn Văn Doanh. Tuy nhiên, các đối tượng còn lại trong nhóm “Đồng thuận” đã kích động người dân phá hủy các phương tiện của lực lượng chức năng, tấn công, bắt giữ 38 cán bộ, chiến sĩ đang thực thi công vụ trong thời gian từ ngày 15 đến 22-4-2017.
Cũng từ đây, có sự “hà hơi, tiếp sức” của các thế lực bên ngoài và một số kẻ bất mãn, cơ hội chính trị trong nước, Lê Đình Kình và nhóm “Đồng thuận” trượt dài trên hành trình phạm tội với nhiều hành vi ngày càng tinh vi, phức tạp.
Đe dọa người dân, chống phá chính quyền, cấu kết với các phần tử phản động
Tháng 7-2017, Thanh tra thành phố Hà Nội một lần nữa khẳng định, đất sân bay Miếu Môn trên địa bàn xã Đồng Tâm (nhóm “Đồng thuận” gọi là xứ “đồng Sênh”) là đất quốc phòng, không có tranh chấp và cần quản lý, sử dụng đúng mục đích. Lê Đình Kình và các “thành viên” nhóm “Đồng thuận” không có quyền và nghĩa vụ hợp pháp liên quan đến khu đất quốc phòng nói trên. Không đồng tình, Kình cùng phe nhóm tiếp tục kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ và đến tháng 8-2019, Thanh tra Chính phủ có thông báo khẳng định kết luận về khu vực đất quốc phòng trên địa bàn xã Đồng Tâm của Thanh tra thành phố Hà Nội là chính xác...
Kể từ khi có kết luận, thông báo của Thanh tra thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, nhóm “Đồng thuận” với những cá nhân nòng cốt chính là con cháu, anh em, họ hàng của Lê Đình Kình, như: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Mai Thị Phần, Lê Thị Loan, Bùi Thị Nối... có nhiều hành vi chống phá, có tổ chức hơn so với giai đoạn trước. Nhóm này tiếp tục rêu rao cái gọi là “nhân dân Đồng Tâm chúng tôi” để thực hiện nhiều hành vi gây rối trật tự công cộng, đe dọa cán bộ và người dân; bắt tay với các phần tử cơ hội chính trị, các tổ chức và cá nhân phản động. Nhưng thực chất, nhóm này chỉ có khoảng 30 phần tử, không thể đại diện cho 9.000 người dân xã Đồng Tâm luôn muốn tình hình yên ổn để xây dựng quê hương.
Ngày 25-11-2019, nhiều cá nhân trong nhóm “Đồng thuận” được mời dự hội nghị đối thoại với công dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn, do Thanh tra Chính phủ tổ chức tại trụ sở Huyện ủy Mỹ Đức, nhưng không ai có mặt, dù trước đó luôn tuyên bố “sẵn sàng đối thoại ở bất cứ nơi đâu”. Thậm chí, nhóm này đã ngăn cản đoàn xe của nhân dân xã Đồng Tâm đến dự hội nghị đối thoại và vây giữ xe làm nhiệm vụ của 19 chiến sĩ quân đội trong nhiều giờ, khi họ đi qua địa bàn xã Đồng Tâm.
Sau ngày 25-11-2019, đặc biệt là khi 14 hộ dân sử dụng trái phép đất sân bay Miếu Môn đồng thuận bàn giao mặt bằng cho quân đội chuẩn bị xây tường rào, nhóm “Đồng thuận” lộ nguyên hình là một ổ nhóm tội phạm có tổ chức. Ngoài tuyên bố “tử chiến giữ đất”, “sẵn sàng giết 300-500 người”, nhóm này đẩy mạnh các hoạt động đe dọa lãnh đạo xã và các gia đình người dân không hợp tác với chúng… Nhóm này còn viết đơn gửi các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế lu loa chính quyền đàn áp “dân oan”, hòng “quốc tế hóa” vấn đề, biến Đồng Tâm thành điểm nóng chính trị.
Ngang ngược hơn, khi các đơn vị quân đội xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn đến địa bàn xã Đồng Tâm, các phần tử trong nhóm “Đồng thuận” đã kéo ra khu vực này chửi bới, tổ chức lều lán canh giữ, đe dọa lực lượng chức năng… Chúng cũng mang loa đi khắp xã Đồng Tâm để kích động người dân chống chính quyền; chủ động tìm mua lựu đạn, dao, súng điện, làm bom xăng,…; chuẩn bị sát hại cán bộ xã, đe dọa gây nổ cây xăng. Hành vi sát hại 3 chiến sĩ Công an đang làm nhiệm vụ ngày 9-1-2020 là tận cùng tội ác mà ổ nhóm tội phạm “Đồng thuận” đã gieo rắc trên mảnh đất Đồng Tâm trong nhiều năm qua.
Sau khi bắt giữ, khởi tố 22 bị can, lực lượng chức năng bước đầu phát hiện, nhóm “Đồng thuận”, đứng đầu là Lê Đình Kình đã nhận tiền tài trợ của tổ chức phản động Việt Tân và một số kẻ có thâm niên chống phá đất nước. Đó là những bằng chứng không thể biện minh.
Với những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy, nhóm “Đồng thuận” thực sự không phải là những “dân lành”, mà là ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức trong thời gian dài, cần phải được nghiêm trị theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.