(HNM) - Ngày 15-5-2004 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử bóng đá châu Phi. Lần đầu tiên kể từ khi World Cup ra đời năm 1930, Lục địa Đen vinh dự nhận quyền đăng cai VCK cúp thế giới năm 2010.
Nam Phi đã sẵn sàng cho World Cup 2010. |
Khi Nam Phi nộp đơn xin đăng cai World Cup 2010, ngay cả người Nam Phi cũng không tin sẽ giành chiến thắng. Chỉ có chưa đến 35% số ý kiến được hỏi cho rằng Nam Phi sẽ là chủ nhà World Cup 2010. Đất nước nổi tiếng với nền công nghiệp khai thác vàng và kim cương chỉ là ứng viên số 3 sau Ai Cập và Ma Rốc.
Nam Phi đã một lần thất bại cay đắng khi tranh cử quyền tổ chức VCK World Cup 2006. Brazil rút lui, chỉ còn 4 ứng cử viên là Nam Phi, Đức, Anh và Ma Rốc vào cuộc thi cuối cùng, rốt cuộc Nam Phi và Đức trội hơn cả. Khi mọi người chắc mẩm châu Phi sẽ chiến thắng thì thật bất ngờ thành viên đoàn châu Đại Dương Charlie Dempsey bỏ phiếu trắng thay vì ủng hộ Nam Phi như lời hứa trước đó. Kết quả, Nam Phi thua Đức (10 so với 11 phiếu).
Sepp Blatter và Nelson Mandela "ra tay"
Chủ tịch FIFA Blatter bị một vố đau. Ông đã "hứa" sẽ đem cúp thế giới về Nam Phi vào năm 2006 nhưng bất thành vì Dempsey "lật kèo" vào giờ chót. Nếu Dempsey bỏ phiếu cho Nam Phi, Đức và Nam Phi hòa nhau 11 phiếu mỗi bên. Blatter sẽ bỏ lá phiếu quyết định, tất yếu chiến thắng thuộc về Lục địa Đen. Đáng tiếc, Blatter chưa động thủ thì Dempsey đã ra tay trước.
Không sao cả, Blatter đã có cách. Người giàu quyền lực nhất trong bóng đá thế giới tuyên bố: "World Cup 2010 chắc chắn diễn ra ở châu Phi". Nam Phi từ vị trí thứ 3 vươn lên thứ 1 nhờ Blatter và cựu Tổng thống Nelson Mandela trong vai trò đại sứ vận động tranh cử cho Nam Phi đã thu hút phiếu bầu thật hiệu quả. Chung cuộc, Nam Phi 14 phiếu thuận, Ai Cập không phiếu nào, Ma Rốc chỉ 10 phiếu.
Thế là rõ: Nam Phi - đất nước thịnh vượng nhất Lục địa Đen - sẽ tổ chức World Cup.
Suýt "thủng lưới" vài lần
Blatter rất nỗ lực đưa World Cup về Nam Phi nhưng ông không thể hài lòng vì tiến trình chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng, tốc độ thi công công trình của Nam Phi quá chậm. Tháng 11-2007, chính Blatter đe dọa sẽ tước quyền đăng cai World Cup của Nam Phi trao cho Mexico, Tây Ban Nha, Nhật hoặc Mỹ nếu Chính phủ Nam Phi không bắt tay vào cuộc. Tại World Cup 1986, Colombia từng bị thay thế bởi Mexico, không hẳn là chưa có tiền lệ xảy ra.
Những rắc rối chưa dừng ở đó. Công nhân xây dựng sân Green Point tổ chức đình công hơn 1.000 người đòi tăng lương và bảo đảm điều kiện lao động. Nhiều nơi khác cũng rục rịch đòi đình công. Phải dàn xếp mãi, Nam Phi mới dẹp yên những mầm mống "bạo loạn" để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị World Cup.
Tổng kinh phí chuẩn bị cho World Cup 2010 do Chính phủ Nam Phi ước tính lên đến 80 tỷ USD. 10 SVĐ được xây mới hoặc tu bổ với sức chứa dao động từ 42.000 đến 94.700 khán giả. 20.000km đường sắt, 73.000km đường ô tô được hoàn thiện, 1 sân bay được xây mới, tất cả sân bay cũ được trùng tu. Công tác an ninh được đặc biệt chú trọng, việc bán vé cũng được tiến hành rầm rộ nhưng đến lúc này mới chỉ có 13 trong số 64 trận đấu bán xong vé.
Vé (tổng cộng 3 triệu chiếc) thừa mà vẫn thiếu vì nạn phe vé vẫn hoành hành. Người ta nói rằng mua vé cũng khó mà tìm khách sạn cũng khó vì quá đắt đỏ và hiếm. Lượng du khách đến Nam Phi nhân dịp World Cup dự tính là nửa triệu người nhưng con số thực có thể thấp hơn nhiều vì nhiều lý do như giá cả, an ninh, di chuyển…
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nói rằng Nam Phi đã "hơn mức sẵn sàng" chờ giờ G, nhưng không phải ai cũng tin ông. Đành hồi hộp và hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.