(HNM) - Nhớ lắm những khuôn mặt sạm màu nắng gió của chiến sĩ, những tiếng cười đùa của trẻ con, những con tàu kiên cường bám biển bất chấp sóng gió trên vùng biển Trường Sa...
Bài 1: Những điều mắt thấy tai nghe
(HNM) - Khi những bản tin trên các phương tiện truyền thông liên tục lên tiếng về việc Trung Quốc bồi đắp những đảo chìm thành những đảo nổi nhân tạo, những địa danh như Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Huy Gơ, Sinh Tồn… được nhắc tới, ngay lập tức dòng ký ức lại dội về. Nhớ lắm những khuôn mặt sạm màu nắng gió của chiến sĩ, những tiếng cười đùa của trẻ con, những con tàu kiên cường bám biển bất chấp sóng gió trên vùng biển Trường Sa...
Gạc Ma nhìn từ Cô Lin
Sau một tuần hành trình từ Cam Ranh, tàu HQ 936 neo cạnh đảo Cô Lin (thuộc quần đảo Trường Sa). Hôm sau, đoàn công tác do Thượng tá Bùi Đình Dương - Lữ phó 146 kiêm trưởng đoàn cùng cánh phóng viên lên xuồng chuyển tải vào đảo Cô Lin. Đảo vẫn thế, như lần tôi đến đầu năm 2008. Chỉ có các gương mặt cán bộ, chiến sĩ là khác. Thượng tá Bùi Đình Dương đã từng là Đảo trưởng đảo Cô Lin năm 1999. Bao nhiêu lần quay lại đảo là bấy nhiêu lần ông bồi hồi nhớ lại lần đầu đặt chân lên đảo chìm bé nhỏ này. Năm đó, có những ngày ông quan sát kỹ lưỡng bằng ống nhòm và đếm được có đến hơn 40 người trên đảo Gạc Ma của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988.
Đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988. Thời gian qua, Trung Quốc đã xây dựng nhiều công trình trên đảo với tốc độ chóng mặt. |
Nhưng lần này, đảo Gạc Ma đã khác. Trên đó, căn nhà cũ, vốn rộng gấp vài lần nhà trên đảo Cô Lin, giờ bé tí tẹo cạnh những công trình mới xây. Bằng mắt thường đã thấy sự bề thế của Gạc Ma. Đại úy Trương Hồng Phượng, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin kể rõ ràng từng động thái của Trung Quốc từ khi bắt đầu bồi đắp, xây dựng đảo Gạc Ma. Cuối năm 2013, nhiều tàu cỡ lớn xuất hiện quanh khu vực Gạc Ma, sau đó, các tàu vận tải có công suất lớn ngang nhiên đi lại để mở rộng, cơi nới bãi đá Gạc Ma, hút nạo vét lòng hồ dài khoảng 500m rồi đưa san hô lên để tạo mặt bằng. Đặc biệt, cuối tháng 12-2013, Trung Quốc đưa tàu Thiên Kình có công suất nạo vét lên tới 4.500m3/h và hoàn thành việc đào đắp với khối lượng đồ sộ chỉ trong vòng 2 tháng với chiều dài hơn 420m, chiều rộng hơn 300m, cao so với mặt san hô khi mức thủy triều thấp nhất là 5m.
Với trang thiết bị hiện đại và công suất lớn, Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên Gạc Ma với tốc độ chóng mặt. Việc bồi đắp được đẩy nhanh tiến độ từ đầu năm 2014 và nhất là trong những ngày giàn khoan Hải dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong tháng 5-2014, Trung Quốc liên tục mở rộng cầu cảng chính dài tới 100m và cầu cảng phụ dài 80m ở hướng Tây và Tây bắc. Đồng thời, bồi đắp, kè bờ thành taluy âm và taluy dương cao tới 1m so với mặt cát. Nối giữa hai cầu cảng chính và phụ là đường dẫn bằng bê tông hơi nghiêng từ bãi cát xuống mặt nước. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2014, máy móc thiết bị tập trung múc cát ở đầu Tây nam ra xung quanh và tiến hành xây dựng công trình ngầm bên trong bãi cát. Từ tháng 8 năm 2014 sang đến đầu năm 2015, Trung Quốc tập trung xây dựng công trình nhà trên bãi Gạc Ma. Tính đến đầu năm 2015, đã có 9 nhà, trong đó có một nhà trung tâm cao 6 tầng với hai chòi quan sát.
Thời gian qua, các tàu vận tải cỡ lớn từ 2.000 đến 6.000 tấn liên tục chuyên chở vật liệu gồm cát, đá, xi măng, sắt thép để xây dựng các công trình. Đến tháng 1-2015, số người có thể quan sát, thống kê trên đảo Gạc Ma lên tới gần 100. Họ thường đổi ca để có thể làm việc 24/24 vào những ngày thời tiết thuận lợi. Khi tập trung đông nhất, Trung Quốc có khoảng 15 tàu các loại. Riêng tàu hộ vệ tên lửa, Trung Quốc thường đổi trực sau 1 đến 2 tháng với các số hiệu như 534, 537, 565. Các tàu hộ vệ tên lửa thỉnh thoảng có đi tuần tiễu quanh các đảo ở quần đảo Trường Sa sau đó lại quay về neo tại bãi đá Gạc Ma. Loại tàu này hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, không theo quy luật.
Hiện nay, các công trình đang hoàn thiện, dự đoán, Gạc Ma sẽ trở thành một trung tâm căn cứ hậu cần kỹ thuật quân sự để phục vụ các hoạt động của lực lượng hải quân của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Huy Gơ từ chòi canh thành đảo nhân tạo
Cũng trong cụm đảo Sinh Tồn, từ đảo Sinh Tồn Đông, một trong những điểm "nóng" nhất trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi thấy công trình trên bãi Huy Gơ có phần đồ sộ hơn trên bãi Gạc Ma. Bãi Huy Gơ là một trong những bãi cạn của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Trung tá Nguyễn Văn Bình, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông khẳng định: "Trước đây, Huy Gơ chỉ có cái chòi canh nhưng nay xây dựng, mở rộng rất lớn". Gần đây, bên bãi Huy Gơ, Trung Quốc tập trung vận chuyển sắt thép và trộn bê tông để xây dựng nhà trung tâm. Trung Quốc thường bổ sung thêm tàu, khi chúng tôi ở đây, bên bãi Huy Gơ có 1 tàu cấp dầu 971 và 4 tàu vận tải quân sự... Đến đầu năm 2015, trên bãi Huy Gơ đã xây dựng được một âu tàu, một cầu cảng và một nhà trung tâm. Ở phía Đông bắc, Trung Quốc tiến hành xây dựng một lô cốt nổi. Phía Đông Đông nam cũng có một lô cốt. Phía Nam của bãi có thể sẽ xây dựng một trạm hải đăng và một bãi đáp trực thăng.
Thượng tá Bùi Đình Dương, Lữ phó 146 cho chúng tôi biết rõ hơn quá trình tôn tạo, bồi đắp 7 bãi cạn san hô thành đảo nhân tạo. Tháng 11-2013, Trung Quốc đưa tàu Thiên Kình, tàu nạo hút có công suất lớn đến hoạt động ở đảo Chữ Thập. Sau khi làm xong ở đảo Chữ Thập thì cuối tháng 12, tàu này lên Gạc Ma. Làm Gạc Ma xong, đến đầu tháng 3-2014 con tàu lên Huy Gơ, rồi Su Bi, Vành Khăn... Tàu này có chức năng nạo hút nền san hô rồi bơm lên để làm đảo nổi nhân tạo. Quá trình quan sát cho thấy, việc tôn tạo đảo được làm theo 4 giai đoạn. Giai đoạn một là tàu Thiên Kình đến nạo vét, phá san hô rồi bơm lên để tôn tạo thành bãi cạn lớn. Giai đoạn thứ hai là điều tàu vận tải chở trang thiết bị đến để làm kè và đào hầm, xây các công trình ngầm. Giai đoạn thứ ba là thiết kế xây dựng các công trình nổi. Giai đoạn thứ tư là hoàn thiện các công trình.
Đảo Chữ Thập được xây dựng lớn nhất với đường băng cho máy bay quân sự. Các đảo Gạc Ma, Huy Gơ xây các sân bay trực thăng trên nóc nhà và giữa bãi tôn tạo. Sau khi được tôn tạo, bồi đắp, xây dựng, đảo Gạc Ma có chiều dài gần 1.000m, rộng 800m, đảo Huy Gơ có chiều dài khoảng 800m rộng khoảng 700m. Bến tàu của đảo song song với chiều dài của bãi tôn tạo để tàu có thể cập cảng. Luồng vào Gạc Ma dài khoảng 2 cây số, luồng vào Huy Gơ dài khoảng 1,3 cây số theo độ rộng của bãi san hô. Ngoài ra, Trung Quốc còn xây dựng một cầu cảng phụ. Cả Gạc Ma và Huy Gơ đều xây dựng nhà cao tầng với 6 lô cốt xung quanh. Trên đảo có đài dẫn bay kết hợp với hàng hải cùng với các công trình chiến đấu ở trên nóc nhà.
Trung tá Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, gần Sinh Tồn Đông có một bãi cạn lớn có tên là Ba Đầu và 6 bãi cạn không người. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông không những phải giữ đảo mà còn trông chừng bãi Ba Đầu và 6 bãi cạn không người bởi vì tàu nước ngoài thường có hành động thăm dò, nhòm ngó. Trước nhiệm vụ nặng nề như vậy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo quán triệt thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, canh gác. Ban ngày thì quan sát phát hiện các mục tiêu từ xa, xác định rõ các mục tiêu đó là tàu quân sự, tàu dân sự, tàu vận tải chở hàng hóa, tàu cá... Ban đêm, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuần tra canh gác để chống xâm nhập và theo dõi các động thái bên Huy Gơ.
Hiện nay, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp, mở rộng với quy mô lớn các đảo chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa hồi năm 1988. Trước tình hình đó, quán triệt tinh thần đã được chỉ đạo, mọi cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa luôn giữ vững ý chí, lập trường kiên quyết bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.