Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ Tết tuổi 24…

P.H.T| 25/01/2012 07:55

LTS:Những cái Tết ở độ tuổi đôi mươi bao giờ cũng khó quên. Cách đây 35 năm, ngày 8-2-1977, một ngày sát Tết, một ngày mưa phùn, một anh sinh viên khoa Văn vừa từ chiến trường quay lại giảng đường, đã gửi gắm tất cả những cảm xúc của tuổi 24 trước Tết. Thời gian đã làm những trang nhật ký nhòe đi phân nửa, mầu mực cũng không còn sắc xanh nhưng những dòng cảm xúc ấy vẫn đồng điệu với người đọc hôm nay. HNMCT trân trọng giới thiệu cùng độc giả trang nhật ký trước Tết thú vị này.

LTS:Những cái Tết ở độ tuổi đôi mươi bao giờ cũng khó quên. Cách đây 35 năm, ngày 8-2-1977, một ngày sát Tết, một ngày mưa phùn, một anh sinh viên khoa Văn vừa từ chiến trường quay lại giảng đường, đã gửi gắm tất cả những cảm xúc của tuổi 24 trước Tết. Thời gian đã làm những trang nhật ký nhòe đi phân nửa, mầu mực cũng không còn sắc xanh nhưng những dòng cảm xúc ấy vẫn đồng điệu với người đọc hôm nay. HNMCT trân trọng giới thiệu cùng độc giả trang nhật ký trước Tết thú vị này.

Qua học kỳ một rồi, và gần đến Tết…

Ngửa mặt lên, bầu trời không nhẹ nhõm, mưa phùn rơi li ti trên da mặt, tạo nên cảm giác trùng lặp. Lá bàng đã rơi đến cánh lá đỏ bầm cuối cùng. Cứ đứng trên gác thượng vào một hôm trời ấm, nhiệt độ có thể là 16-180 ken vanh, bạn sẽ có một ước ao nhè nhẹ về những nụ bàng xanh non chưa thể có. Những chồi non ấy bây giờ hiếm hoi lắm. Hiếm hoi đến mức duy tâm. Rồi ra ngoài tết, các bạn sẽ gặp nó, những búp bàng xanh đến ào ạt, tuy vẫn nhè nhẹ từng đêm mưa xuân, những giọt tí tách ấy được thắp lên, non mởn đến cường tráng.

Mùa xuân thường kéo theo cảm giác mới mẻ. ấy là chúc tụng, mời chào ồn ã. Trẻ có mùa xuân của trẻ, già có tuổi xuân của già. Ngày xưa, tôi còn nhớ, một cái tết làng quê không có đu – những câu gì vít vổng ấy – mà chỉ có những cỗ bài tam cúc trẻ con, cỗ bài tổ tôm thoăn thoắt chia ba lần sáu bởi ba tay chia, rồi vút, ba chập một – cái nọc còn đủ 6 quân. Bài đánh thâu đêm suốt sáng. Ngồi chầu rìa cũng say. Lúc ấy mùa xuân là một sự quên lãng.

Cái tuổi nhớ quên của mỗi đời người có lẽ sự báo hiệu chính xác nhất là mùa xuân. Có thể là có ý thức, người ta tỉnh táo hơn trong mùa này. Mẹ tôi là bà mẹ làng quê. Tết gần đến, từ xưa đến nay, lo nhiều nhất. Từ cân thịt đụng, thúng nếp gói bánh, cân măng mục nhĩ, bóng lợn, cho tới ca đỗ xanh, trăm lá giong và lạt gói… thậm chí cả rạ, rơm đun nấu nữa. Đàn ông mấy khi tính toán chi li cho bằng. Lo trước tết, lũ trẻ sao cho được manh áo lành lặn, làm sao lễ lạt nội ngoại cho tươm tất. Lo ra đến giêng hai, tháng ba giáp hạt, lo chạy từng bơ gạo chợ.

ấy thế mà trẻ con có gì vui hơn, nhởn nhơ xúng xính, chúng vui chơi thỏa thích và mong tết đến nhanh hơn. ít nhất chúng khỏi phải vẹo xương sườn bế em trong những ngày bố mẹ nghỉ. Cơm nước xong, phi tuốt ra gốc đa đầu ngõ. ở đấy súng diêm, vật đất, chọi gà cỏ… Chao ôi, là Tết!

Bạn có thể tưởng tượng ra tôi 23 tuổi không? Không hả? Có thể trẻ hơn. Nhưng bà mụ bảo tôi đúng là thế đấy. Tôi đi 5 năm. Không phải là ngao du, không phải là mưu cầu, mà là làm nghĩa vụ chàng trai thời chiến. Tôi còn nhớ tôi hồi nhỏ sống không đến nỗi khổ nhưng cũng không sung sướng gì. Tôi lớn lên với mái đình cây đa làng tôi, mùa xuân nào tôi cũng có kỷ niệm với bạn bè ở đấy. Một làng quê gần Hà Nội, có sắc vẻ riêng của nó lắm đấy bạn ạ. Một làng nằm ở giao điểm địa phận Hà Nội, Hà Bắc, Hải Hưng. Mùa xuân ở đây mang tục lệ của cả ba tỉnh, thường thì gần với Hà Nội hơn.

Mùa xuân đầu tiên xa nhà tôi đã khóc. Một buổi giao thừa không sao quên được. Lúc bấy giờ tôi mang cấp bậc binh nhì, thật trẻ!

Bốn cái tết sau, tôi ăn tết thiếu thốn hết sức ở miền Nam. Tôi cũng không nghĩ được gì, mất gì trong những tết ấy. Có thể có nghĩ, nhưng cơ bản là chiến sự thật ác liệt. Cho đi qua những ngày đáng nhớ suốt đời ấy, những nỗi nhớ khủng khiếp về kỷ niệm chiến trường ấy, tôi còn lại một cái gì cao hơn sự bằng lòng tôi hiện có. (Tôi có thể viết như thế này: “Tôi có một tuổi 20 ngủ quên trong nhánh xương rồng” được không?)

Em như một mùa xuân, không quên không nhớ. Tôi biết tôi lạnh lẽo từ lúc nào rồi! Từ cái lúc tôi nhìn thấy búp bàng non ở trên tầng thượng. Sao cái mong mỏi lạnh lùng ấy lại sống được trong tôi?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ Tết tuổi 24…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.