Trong cái ngách nhỏ trên phố Bạch Mai, hồi nhỏ, tôi đợi chờ nhất là tiếng rao của người bán tào phớ: ai phớớớ đêê…!
Mỗi lần nghe tiếng rao, tôi lại chạy ra cửa, thò cái mặt qua cái ô nho nhỏ (cái ô để người lớn thò tay ra, vào mà khóa cánh cửa sắt lúc nào cũng đóng khi người lớn đi làm để bọn trẻ ở nhà) và gọi với: tào phớ ơi! Bác bán hàng dừng cái xe đạp “cởi truồng” (xe không có chắn bùn) bằng một động tác bắt chéo chân rất điêu luyện.
Tôi chìa cái bát con ra để bác hớt từng lát tào phớ vào bát, rồi chan nước đường vào. Vài đồng tiền lẻ vo viên trả cho bác bán hàng.
Phố Bạch Mai gần chợ Mơ. Khu vực này nổi tiếng đậu phụ làng Mơ. Đậu mịn, mát, thơm, mềm mà không bị vỡ. Theo đó, tào phớ (tiền thân của đậu phụ) ở đây cũng ngon hơn những nơi khác làm tào phớ. Những lát tào phớ trắng, ngâm trong nước đường cứ rung rung thật thích thú.
Tào phớ nóng ấm, ai thích bỏ đá xay vào thì bỏ cho mát, không thì ăn thẳng âm ấm cũng được. Người lớn ăn tào phớ thường múc từng thìa to, hoặc húp một vài lần là hết. Bọn trẻ con thường cố gắng dầm nhỏ những miếng tào phớ mỏng tang để ăn từ từ không sợ hết hoặc chia nhau cho có cảm giác… được nhiều.
Người Sài Gòn và người miền Trung cũng có tào phớ (đậu hủ, tàu hủ) nhưng không ăn giống như ở Hà Nội. Người miền Bắc thích ướp hoa nhài vào các loại nước uống. Hoa nhài trong bình nước đường chan vào bát tào phớ ở Hà Nội được thay thế bằng gừng trong bát tào phớ miền Trung, miền Nam.
Bây giờ tào phớ không được rao khắp các ngõ ngách như ngày xưa nữa. Người ta muốn ăn tào phớ có thể vào hàng, đến siêu thị cũng có. Nhưng đối với những đứa trẻ đã từng lớn lên cùng tiếng rao như tôi vẫn thích tào phớ của bác bán hàng rong hơn. Và đặc biệt hơn nữa, tào phớ chợ Mơ vẫn là số 1 trong ký ức của những đứa trẻ nhà ở khu vực “gốc mai trắng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.