Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ lời Bác dạy - quyết xây dựng thành công đời sống mới

Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội| 25/03/2017 07:13

(HNM) - LTS: Cách đây 70 năm ( 20-3-1947 - 20-3-2017), Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, với bút danh Tân Sinh, đã viết tác phẩm Đời Sống Mới để hướng dẫn cán bộ, nhân dân thực hiện chủ trương xây dựng một nền văn hóa kháng chiến và kiến quốc, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Hà Nội ngày càng văn minh, sạch đẹp.Ảnh: Nhật Nam


Cho đến nay, những căn dặn tâm huyết, thiết thực của Người thể hiện trong tác phẩm trên vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt có ý nghĩa với cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân Thủ đô và cả nước trong xây dựng văn hóa và con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Báo Hànộimới xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của đồng chí Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội về vấn đề này.

“Đời sống mới” - cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc

Trước hết, tác phẩm Đời Sống Mới được trình bày với văn phong ngắn gọn, giản dị, súc tích, dễ hiểu, dễ làm theo, tính thực hành và tính quần chúng cao. Ngay trong Lời tựa, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Trong lúc kháng chiến cứu quốc, chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành Đời sống Mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”.

Thực tế, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945 đã chấm dứt kiếp nô lệ tăm tối đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Tuy nhiên, ảnh hưởng của những tàn dư trong xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến vẫn tồn tại nặng nề trong nếp nghĩ, lối sống của hàng triệu người, không thể xóa bỏ ngày một ngày hai; hậu quả nạn mất mùa và nạn đói triền miên cùng nhiều tệ nạn xã hội diễn ra đồng thời trên nhiều đường phố, khu dân cư của Thủ đô, trên nhiều làng mạc, miền quê đất nước.

Cũng vào những năm đầu của chính quyền non trẻ ấy, giặc Pháp đã gây hấn, trở lại xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Hà Nội cùng với cả nước đã tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến để thực hiện khát vọng cháy bỏng của dân tộc: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Là lãnh tụ thiên tài, nắm vững quy luật vận động của chiến tranh cách mạng, hiểu thấu những tác động của mối quan hệ nhiều chiều giữa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Bác Hồ đã kịp thời viết nhiều tác phẩm đánh giá, phân tích sâu sắc tình hình, động viên, cổ vũ nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, xã hội, làm nền tảng vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Trong Đời Sống Mới, Người hướng dẫn rành mạch việc ăn, ở, việc thiện, việc nghĩa, việc cưới, việc tang... làm thông suốt tư tưởng dao động, hoài nghi, ngại khó trong một bộ phận cán bộ, nhân dân. Từng lời dạy bảo của Người luôn mang tính động viên: “Thử hỏi có gì cao xa, khó khăn không? Không có gì là khó. Không cần thông minh, tài trí, miễn mình muốn làm, cố chí làm thì nhất định làm được. Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh”.

Bên cạnh giá trị thực hành, các vấn đề nêu trong tác phẩm cũng thể hiện tính chặt chẽ, khúc chiết, sinh động, với tư duy lý luận vừa sắc bén, cụ thể, vừa bao quát toàn diện thôi thúc mọi người cùng thực hiện. Người khẳng định: “Trong 80 năm sống dưới chế độ thực dân Pháp, trong năm năm sống dưới chế độ phát xít Nhật và Pháp, dân ta bị bóc lột đè nén, chẳng những dân cùng, tài tận, đời sống tiêu điều, mà cả tinh thần tâm lý cũng bị áp chế. Tuy vậy, dân ta còn đủ chí khí quật cường, nổi lên chống Nhật, chống Pháp, tranh lại quyền độc lập, tự do. Nay dân ta đem tinh thần và lực lượng đó mà kháng chiến và kiến quốc, mà làm đời sống mới thì nhất định thành công”.

“Phải làm cho Thủ đô trong sạch về tinh thần và vật chất”

Hà Nội là Thủ đô, đồng thời là đô thị lớn trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bên cạnh nhiều mặt thuận lợi, mặt tốt là cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp và nhiều tệ nạn, chủ yếu là do xã hội cũ để lại. Xây dựng đời sống mới ở Hà Nội theo những chỉ dẫn của Bác Hồ là phải quét sạch các tệ nạn xã hội. Người căn dặn: “Đối với Hà Nội, phải làm cho Thủ đô trong sạch về tinh thần và vật chất”; Người chỉ ra việc xây dựng đời sống mới phải dựa vào dân, huy động sức dân mới có kết quả, bởi vì người dân chính là chủ thể của các hoạt động này: “Về việc quét bọn cao bồi, buôn lậu, công an không làm được một mình mà phải dựa vào dân, không có dân không hiểu hết bọn buôn lậu, dân biết hàng hóa ở đâu ra, mà gái điếm hoạt động người ta cũng biết. Phải dựa vào dân mà giải quyết vấn đề này”.

Người giúp chúng ta thấy rõ xây dựng đời sống mới ở Thủ đô phải đặt trong tổng thể các mối quan hệ với cả nước và quốc tế: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Xây dựng đời sống mới theo Hồ Chí Minh, còn là giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, hình thành và duy trì các nếp sống mới, việc làm mới văn minh, khoa học. Người đặt ra yêu cầu và cách làm cho lãnh đạo thành phố và các tầng lớp nhân dân Hà Nội: “Đối với Hà Nội, tôi đề nghị thêm một điểm này nữa trong cuộc thi đua, tức là thi đua làm tốt vệ sinh phòng bệnh. Trước đây, đồng bào Hà Nội đã có những cuộc thi đua như thế, nhưng phong trào khi lên khi xuống, không được liên tục. Lần này phải làm cho phong trào thường xuyên và bền bỉ. Chúng ta ngày nào cũng rửa mặt, đánh răng, thì thành phố của chúng ta ngày nào cũng phải quét dọn tươm tất. Chúng ta phải làm cho Thủ đô ta ngày càng sạch sẽ, vui tươi”[1].

(Còn nữa)

--------------------------------------------------------
[1]Hồ Chí Minh , Toàn tập, t. 11. tr 247 – 248

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ lời Bác dạy - quyết xây dựng thành công đời sống mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.