Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhỏ lẻ, thiếu bền vững

Quỳnh-Hương| 02/04/2012 07:05

(HNM) - Hiện nay tổng đàn bò thịt cả nước khoảng 5,9 triệu con, nhưng chăn nuôi bò thịt trong nước chủ yếu tận dụng thức ăn, đồng cỏ, với 90% hộ nuôi bò thịt nhỏ lẻ nên giá trị không cao.



Lượng thức ăn thô xanh hạn chế do thiếu các đồng cỏ có chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao. Theo ông Tạ Văn Tường- Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, toàn TP hiện có 56 trang trại chăn nuôi bò thịt ngoài khu dân cư với 971 con bò thịt, bò sinh sản. Hiện đã quy hoạch được 5 xã trọng điểm phát triển chăn nuôi bò thịt như xã Minh Châu (huyện Ba Vì); xã Văn Đức (Gia Lâm)… Thời gian qua, Trung tâm đã đưa quy trình vỗ béo hai giống bò mới (Droughtmaster, Brahman) và được nông dân áp dụng khá hiệu quả. Nhiều người dân đã làm giàu từ việc nuôi vỗ béo bò thịt, có hộ thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi bò thịt vẫn chưa bền vững, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, trung bình khoảng 3 con/hộ. Tầm vóc đàn bò đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhỏ, trọng lượng thấp nên tỷ lệ xẻ thịt không cao. Chuồng trại chăn nuôi chủ yếu được xây dựng theo kiểu tận dụng về đất và vật liệu sẵn có; công tác phòng, trừ dịch bệnh còn hạn chế do phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn theo tập quán truyền thống chăn thả nên khó kiểm soát dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Nguyễn Công Thành, Chủ tịch UBND xã Minh Châu (Ba Vì) cho biết, xã có đàn bò thịt khá lớn với khoảng 2.700 con, 90% số hộ (1.095/1.308 hộ) trong xã chăn nuôi bò thịt nhưng chỉ có 7 hộ nuôi 8-12 con, một hộ nuôi trên 50 con. Còn lại chủ yếu là các hộ nuôi nhỏ lẻ từ 2 đến 3 con và chủ yếu tận dụng thức ăn sẵn có trong gia đình. Việc đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cũng chưa áp dụng, các hộ chưa quan tâm tới an toàn dịch bệnh mà chủ yếu nuôi theo truyền thống chăn thả nên dịch bệnh vẫn xảy ra. Để tránh ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, xã đã quy hoạch vùng bãi Phú Châu với diện tích hơn 10ha để đưa 15-20 hộ chăn nuôi xa khu dân cư nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn (từ cơ chế chính sách, đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng).

Cái khó của người chăn nuôi bây giờ là thị trường đầu ra vẫn còn bế tắc, hầu hết nông dân tự làm tự tiêu chứ chưa liên kết được với các doanh nghiệp và siêu thị để bán số lượng lớn với giá cao hơn, nên hiện vẫn phải thông qua thương lái chịu bị ép giá. Mặt khác, nông dân còn gặp khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất bởi chi phí cho chăn nuôi bò lớn nhưng nguồn vốn chủ yếu vay ngân hàng với lãi suất khá cao nên lợi nhuận từ chăn nuôi bò thấp. Thời gian để nuôi một con bò giống thường khoảng 6 tháng, bò thịt hàng năm, trong khi thời gian cho vay vốn của ngân hàng ngắn nên không đủ thời gian quay vòng để trả nợ ngân hàng.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ông Hoàng Kim Giao cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để chăn nuôi bò thịt phát triển theo hướng bền vững, có giá trị cao là nâng cao chất lượng giống bằng cách đẩy mạnh chương trình lai tạo đàn bò đi liền với xây dựng vùng sản xuất bò giống. Mục tiêu của Bộ NN&PTNT từ nay đến năm 2020 là phát triển giống bò thịt cao sản với tỷ lệ máu ngoại trên 75% trở lên thay thế dần các giống cũ còn tồn tại trong dân. Vì vậy, Nhà nước cần quy hoạch các vùng trồng cỏ thâm canh có giá trị kinh tế cao. Người nông dân cũng cần tự chủ nguồn thức ăn bằng tận dụng nguồn cỏ tự nhiên cùng các phụ phẩm trong nông nghiệp và tích cực áp dụng các biện pháp dự trữ, chế biến thức ăn theo hướng chất lượng để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho đàn bò phát triển tốt.

Để phòng chống dịch bệnh cho đàn bò, các địa phương cần phải củng cố mạng lưới thú y cơ sở, tiêm phòng định kỳ cho đàn bò. Khuyến khích các hộ xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm thịt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhỏ lẻ, thiếu bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.