Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ bác Nguyễn Vinh Phúc

PGS. TS Phạm Quang Long| 30/01/2012 06:05

(HNM) - Những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn rét ngọt, có một tin làm nặng lòng nhiều người: bác Nguyễn Vinh Phúc - người được vinh danh là Nhà Hà Nội học, Công dân ưu tú Thủ đô, đã về giời, sau một thời gian lâm bệnh trọng, hưởng thọ 86 tuổi.


Tôi thuộc lớp hậu sinh, lớp học trò của bác Phúc, được đọc các bài viết của bác về Hà Nội từ mấy chục năm trước, nhưng mãi đến năm 2005, khi về làm việc ở Hà Nội mới gặp bác lần đầu. Tôi không bất ngờ khi được tiếp chuyện bác bởi phong thái của một nhà giáo, một người từng trải trong một môi trường tôi đã từng quen nhưng tôi thực sự ngạc nhiên về trí nhớ lạ lùng và những hiểu biết của bác về mọi ngóc ngách của đất Kinh kỳ. Lâu dần, dường như mọi việc liên quan đến văn hóa Hà Nội, đến việc đặt tên đường phố, chúng tôi đã được bác giúp rất nhiều. Không phải chỉ có tôi phải chịu ơn bác mà nhiều người đã được bác chỉ bảo, cho những lời khuyên rất chí tình cho công việc của mình.

Tiếp xúc với bác, đôi lần nghe bác tâm sự về cuộc đời dạy học và gắn bó với những trang viết về Hà Nội tôi mới hiểu thêm rằng, chính từ nhu cầu công việc, từ tình yêu với những gì mình gắn bó và cũng như run rủi của số phận mà suốt cuộc đời bác chỉ viết về một đề tài là Hà Nội. Dạy cả văn, sử, địa, bác thấy những tri thức sách vở chưa đủ để tạo nên sự hấp dẫn về tri thức và sự sinh động cho bài giảng nên dù không ai tổ chức, không bắt buộc nhưng bác đã tự mình thực hiện những cuộc điền dã bất tận, tỉ mỉ, chi tiết, làm đi làm lại nhiều lần. Nhiều người kể rằng chỉ với một chiếc xe đạp, bác và học trò của mình đã ngang dọc khắp các hang cùng ngõ hẻm, làng quê, góc phố và nhờ các cuộc đi ấy, bác đã tích lũy được một kho tri thức khổng lồ về đất và người Kinh kỳ, về những dấu tích đã bị lớp bụi năm tháng và những biến thiên làm mờ đi, khuất lấp. Nhờ đó, những bài giảng của bác như có hồn hơn, các lớp sinh viên đến giờ vẫn nhắc “nghe thầy Phúc giảng sướng lắm”. Và những bài viết của bác qua các trang báo ở trung ương và Hà Nội cứ dày thêm. Theo năm tháng, số trang trong các công trình của bác đã đến nhiều nghìn, và nói một cách ngắn gọn thì 15 đầu sách bác công bố từ năm 1956, hàng nghìn bài báo về nhiều lĩnh vực lịch sử, văn hóa, danh nhân, khảo cứu, tư liệu, địa lý, xã hội... đủ nói về một sự nghiệp mà ngay cả nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp cũng chưa làm được, đã nói đến công sức, trí tuệ bác dành cho công việc này. Rất nhiều nhà nghiên cứu, người có nhu cầu tìm hiểu về Hà Nội đã dựa vào những công trình của bác để tra cứu. Một phần lịch sử văn hóa Hà Nội đã sống dậy trong những công trình của bác. Thế mà khi nói với tôi, bác vẫn nhỏ nhẹ:“Tôi cứ cần cù như con ong thợ thế thôi ông ạ. Tha dần, luyện dần rồi thành mật. Chẳng biết thứ mật tôi làm ra chất lượng thế nào nhưng cứ biết rằng mình đã cố hết sức, cố được đến thế là hết sức. Mình không hổ thẹn khi làm việc, còn chất lượng mình đâu có quyền phán quyết”. Khi tôi gặp một vài chuyện khó trong công việc, bác chủ động gặp và khuyên tôi cứ bình tĩnh mà gỡ dần. Bác hay nói “Dục tốc bất đạt, ông ạ. Việc gì cũng cứ từ từ mà làm. Đừng quá nệ vào sự khen chê mà nên chú ý chuyện đúng, sai và cần hay không cần”. Nghe bác nói thế, tôi càng thấy trọng con người này hơn. Lại nhớ khi họp nghiệm thu công trình Địa chí Tây Hồ của bác, bác nói với hội đồng “có lẽ đây là cuốn sách cuối cùng của tôi vì bây giờ sức đã yếu, tự lượng thấy không nên làm thêm cái gì nữa kẻo lại dở dang”. Mọi người động viên bác và mong còn được đọc thêm những sách mới của bác nhưng ai cũng thấy man mác buồn. Ai mà tránh được quy luật của tạo hóa? Mấy tháng sau, biết bác lâm bệnh trọng, gọi điện đến chỉ nghe nói “tôi yếu đi nhiều ông ạ, giờ chỉ còn dưỡng bệnh và nếu hết lộc thì chỉ còn chờ đến lúc đi thôi”. Anh Hòa và tôi đến thăm bác, bác vẫn còn đùa được và khuyên chúng tôi làm việc này, việc nọ, chú ý thêm chỗ này, chỗ khác trong công việc của mình.

Nhớ lại lúc còn khỏe, khi rảnh, nói chuyện đời, bác bảo tôi: “Cái danh xưng Nhà Hà Nội học mà ông V. tặng tôi, có người không đồng tình đâu ông ạ. Họ bảo làm gì có cái danh xưng ấy, mấy ông thích bốc nhau lên thì tự đặt ra thế thôi”. Tôi hỏi bác: “Thế ý cụ thế nào?”. Bác cười hóm hỉnh:“Tôi đang hỏi ông mà ông lại đẩy câu trả lời cho tôi. Thì người ta tặng mình cái tên ấy cũng không phải thù ghét gì. Nhận, hay không nhận đâu có quan trọng? Ông ấy cũng chỉ là người dân chứ có quan cách gì đâu mà bảo là ban phát? Họ tặng cho người này hay người kia thì do ý thích của họ, ai cấm được?”. Tôi nói, cái danh xưng ấy là một vinh dự, dù người đời chứ không cơ quan, tổ chức nào tặng cho cụ cũng là một vinh dự, một vinh dự không phải ai cũng có thể đạt tới. Nó là những gì người ta cảm nhận từ những trang sách cụ viết, thế thì có gì phải băn khoăn? Biết đâu cụ lại là người Hà Nội duy nhất có danh xưng này thì sao? Nghe tôi nói đến đây, bác cười, nụ cười nhẹ nhàng mà ý nhị: “Thì ông nói đấy nhé”.

Viết đến đây tôi lại như nghe thấy tiếng cười của bác và như câu chuyện mới xảy ra hôm nào. Bác Phúc ơi, dù sau này có những nhà Hà Nội học khác nữa thì, bác vẫn là Nhà Hà Nội học đích thực, dù không có văn bằng chứng chỉ nào chứng thực, nhưng với danh xưng ấy, bác đã và đang sống trong lòng người đời. Như thế, bác đã tạo dựng được một sự nghiệp để đời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhớ bác Nguyễn Vinh Phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.