(HNM) - Tôi và anh Nguyễn Khang cùng là tù chính trị ở nhà tù Sơn La. Tháng 8-1943, tôi vượt ngục về làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ...
Sang năm 1945, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động lớn, thời cơ giành chính quyền đang tới gần. Tháng 8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào để thống nhất lực lượng trên toàn quốc, thông qua chủ trương Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, lật đổ bọn bù nhìn tay sai, thành lập Chính phủ lâm thời. Ngày 13-8, Hội nghị khai mạc thì nhận được tin Nhật xin đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Ngay đêm ấy, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa, Quân lệnh số 1 được phát đi. Tôi đang dự Hội nghị thì nhận được chỉ thị của Bác Hồ: Phải về Hà Nội ngay khi kết thúc Hội nghị toàn quốc của Đảng để thi hành chủ trương và kế hoạch Tổng khởi nghĩa, không ở lại dự Đại hội Quốc dân nữa.
Một góc đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy). |
Tôi về đến Hà Nội thấy cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp phố phường. Ở nhà, Xử ủy cũng đã nắm bắt được thời cơ nghìn năm có một, chủ động và kịp thời ra lệnh Tổng khởi nghĩa tại các tỉnh do Xứ ủy phụ trách dù chưa nhận được lệnh Trung ương. Riêng với Hà Nội, do tầm quan trọng đặc biệt và tình hình hết sức phức tạp nên Xứ ủy phải thành lập Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội để tổ chức và chỉ đạo khởi nghĩa. Anh Nguyễn Khang trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội, Ủy viên Ủy ban gồm các anh: Nguyễn Quyết, Trần Quang Huy, Lê Trọng Nghĩa và Nguyễn Duy Thân. Còn có anh Trần Đình Long (từng học Trường đại học Phương Đông ở Liên Xô) làm cố vấn cho Ủy ban. Trong bối cảnh các đồng chí Trung ương đều tập trung ở Tân Trào để dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân, việc liên lạc xin chỉ thị cấp trên bị cản trở bởi thiên tai, lũ lụt thì những quyết định của Xứ ủy lúc đó là rất sáng suốt và dũng cảm. Xứ ủy làm việc trên nguyên tắc bàn bạc tập thể nhưng trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như thế cần phải có một chỉ huy thật quyết đoán để có được quyết định đúng đắn nhất.
Khi chuẩn bị đi dự Hội nghị ở Tân Trào, tôi đã giao quyền cho anh Nguyễn Khang thay tôi, như là Quyền Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Anh Nguyễn Khang được giao trọng trách là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Trung ương về những quyết định của Xứ ủy lúc đó. Tôi về tới Hà Nội khi cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân đã thành công rực rỡ ngày 19-8 và Chính quyền Cách mạng đầu tiên trên cả nước là Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ do anh Nguyễn Khang làm chủ tịch đang điều hành công việc tại Bắc Bộ phủ, nơi cách đây mấy ngày vẫn còn là cơ quan đầu não của kẻ thù. Tại đây, Ủy ban nhân dân Cách mạng Bắc Bộ đã có những quyết định đúng đắn để giữ được Chính quyền Cách mạng non trẻ trụ vững ở Hà Nội đến ngày Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh về khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
70 năm đã trôi qua, các đồng chí của tôi thời ấy đã ra đi gần hết. Tôi nay đã 100 tuổi âm rồi vẫn luôn nhớ đến các anh, các chị. Tôi nhớ đến những đóng góp quan trọng có tính chất quyết định của anh Nguyễn Khang vào thắng lợi nhanh chóng của cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội cũng như trong cả nước, lúc đó anh Nguyễn Khang 26 tuổi. Tôi nhớ khi ở nhà tù Sơn La, anh tên là Đệ, sau khi vượt ngục về làm việc cùng tôi ở Xứ ủy Bắc Kỳ tên là Phúc, thời kỳ Tổng khởi nghĩa, anh lấy bí danh là Nguyễn Khang. Và tôi vẫn còn nhớ: Anh Nguyễn Khang là người con ưu tú của quê hương Kiến Xương, Thái Bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.