Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhịp cầu liên kết cộng đồng khoa học

Ngũ Hiệp| 06/02/2015 07:03

(HNM) - Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Quỹ VSF), thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), vừa chính thức ra mắt. Là quỹ xã hội hóa nội địa đầu tiên ở Việt Nam, VSF hướng tới khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, công dân và nhà khoa học Việt Nam


Thông qua website có thể tìm hiểu thông tin về Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam.


- Bà có thể cho biết vì sao phải hình thành Quỹ VSF?

- Có hai lý do chính thôi thúc chúng tôi đi đến quyết định thành lập quỹ. Thứ nhất, nhiều năm qua Bộ KH&CN đã trăn trở về việc thay đổi cơ chế tài chính dành cho hoạt động khoa học, tạo động lực để các nhà khoa học có cơ hội cống hiến và được đãi ngộ xứng đáng. Nhiều văn bản pháp lý liên quan vấn đề này đã được triển khai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn "sống được bằng nghề". Đây cũng chính là điều băn khoăn thường trực trong mỗi thành viên sáng lập quỹ. Là các doanh nhân, người điều hành tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, có người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, ngoại giao… chúng tôi đã không ít lần tài trợ với tư cách cá nhân cho các nhà khoa học, cán bộ làm chính sách… thông qua một số hoạt động như học tập, hội thảo, hội nghị. Song những hoạt động tài trợ đó không được thực hiện thường xuyên bởi thiếu một tổ chức chuyên môn. Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa và KH&CN được coi là chìa khóa phát triển, quốc gia nào nắm bắt được công nghệ thì quốc gia đó có thể tạo ra sự phát triển vượt bậc, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về nhiều lĩnh vực khác. Nhận thức được điều đó, chúng tôi đã chủ động tổ chức một số hội nghị luận bàn về vấn đề thương mại hóa, xã hội hóa nguồn vốn cho lĩnh vực KH&CN. Được sự đồng tình của Bộ KH&CN, chúng tôi đã mời gọi đại diện của các sứ quán nhiều nước, các doanh nhân, nhà khoa học ở trong và ngoài nước, thành ý của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ thiết thực từ nhiều phía cũng như sự cam kết về tài chính của giới doanh nhân Việt Nam. Đó là những cơ sở quan trọng để chúng tôi từng bước xây dựng mô hình, phương hướng hoạt động, tìm kiếm chuyên gia và tiến hành các thủ tục thành lập quỹ.

- Vậy nguồn vốn của quỹ đến từ đâu và mục tiêu trước mắt của Quỹ VSF là gì, thưa bà?

- Nguồn vốn gây dựng ban đầu của quỹ được huy động từ những sáng lập viên người Việt Nam - những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, tài chính - ngân hàng, văn hóa, truyền thông, ngoại giao, những doanh nhân thành đạt… Mục tiêu của quỹ là hỗ trợ các nhà khoa học có ý tưởng và muốn lập nghiệp bằng chính những phát minh sáng chế của mình. Ngoài ra, quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có mong muốn thử nghiệm, ứng dụng công nghệ mới, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, tăng năng suất chất lượng sản phẩm… cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các nước khác. Bên cạnh thuận lợi, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn bởi đây là quỹ đầu tiên của người Việt Nam hoạt động phi lợi nhuận với mục đích tài trợ cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mang tính thử nghiệm nên mức độ rủi ro cao, nói cách khác thì đây là một hình thức đầu tư mạo hiểm.

Hiện tại, Bộ KH&CN đã phê duyệt Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (gọi tắt là Đề án VSV) và đưa vào hoạt động hơn một năm nay. Đề án đã có 9 nhóm khởi nghiệp với nhiều sản phẩm và dịch vụ đang được ứng dụng trên thị trường. Quỹ VSF sẽ đồng hành cùng đề án, tài trợ cho các hoạt động của VSV nhằm tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp cho Việt Nam. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có nguyện vọng có thể tìm hiểu thông tin trên website: http://ba.siliconvalley. com.vn, hoặc liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

- Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, về lâu dài, Quỹ VSF sẽ có những định hướng hoạt động như thế nào?

- Hiện tại, quỹ hoạt động trên cơ sở vừa tài trợ vừa gây quỹ thông qua kinh nghiệm từ các thành viên sáng lập và bộ phận nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ, gồm công nghệ chiến lược, công nghệ quản lý và công nghệ kỹ thuật. Theo đó, công nghệ chiến lược ưu tiên cho các nhà lãnh đạo, công nghệ quản lý dành cho các nhà quản trị và công nghệ kỹ thuật tập trung vào các chuyên gia, chuyên ngành kỹ thuật. Ngoài ra, quỹ cũng tập trung xây dựng mô hình hoạt động và tạo điều kiện cho những "quỹ con" hoạt động. Mỗi "quỹ con" hoạt động trong một lĩnh vực công nghệ. Việc tư vấn và quản lý các danh mục đầu tư đem lại thành công cho khách hàng sẽ tạo uy tín cho quỹ cũng như thu hút nguồn doanh thu xây dựng quỹ vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, Quỹ VSF sẽ tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, các nguồn tài trợ của chính phủ các nước nhằm đồng tài trợ cho các doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam.

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhịp cầu liên kết cộng đồng khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.