Dưới thời HLV Calisto (trước đây và sau này sẽ vẫn thế), ai làm công việc người ấy. Đầu bếp là đầu bếp, mà lễ tân là lễ tân. Mọi người được phân công vai trò một cách rõ ràng, không có chuyện “cướp cò” hay làm thay nhiệm vụ ở đây. Tính kỷ luật, cũng như chủ nghĩa tập thể, luôn phải được đặt ở nơi cao nhất. Không một ai có quyền phá vỡ cấu trúc ấy.
Liên đới một chút tới nghệ thuật, một đội bóng vẫn được ví như dàn nhạc vậy. Có người đánh trống, có người thổi kèn, có cả violon, tiếng đàn bầu văng vẳng và tiếng sáo véo von.
Bóng đá với Henrique Calisto đơn giản như đôi bàn tay. Nắm thật chặt và bung ra thật nhanh, thật mạnh. ĐTVN đã kết liễu Singapore và Thái Lan với phương châm: phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh. Những tay trống, “đao phủ” (vốn vẫn bị gán cái biệt danh “ong thợ” hay “công nhân đá bóng”, vì thế được đặc biệt đề cao vai trò.
Tuy nhiên, lướt qua bản danh sách tập trung lần này, có thể thấy ĐTVN đang sở hữu nhiều hơn những nghệ sỹ, thay vì các công nhân đá bóng như trước đây. Những Minh Phương, Quang Hải, Văn Quyến, Sỹ Cường và Được Em đều là các nghệ sỹ bậc thầy với quả bóng. Thậm chí, ngay ở vị trí hậu vệ cánh, Văn Trương với lối chơi mềm mại và hiệu quả, cũng được ví là một nghệ sỹ.
Sự đa dạng về phong cách, sẽ giúp HLV trưởng tìm ra những phương án tối ưu, cho từng trận đấu, từng đối thủ và từng thời điểm. HLV Calisto không thể quăng vào sân hết thảy tất cả các nghệ nhân mà ông có, nhưng với những cái tên như hiện tại, có thể thấy phần nào hình hài của một đội bóng lớn, hình hài của ông chủ cuộc chơi và bắt đối thủ phải đá theo cách của mình. Bởi chúng ta là nhà vô địch Đông Nam Á và phải lớn mạnh hơn so với cách đây 2 năm.
Thì đó mới là mục tiêu đeo đuổi của phù thủy Calisto!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.