(HNM) - Sau gần 30 năm đổi mới, thời điểm hiện nay được xem là một trong những giai đoạn khó khăn của đất nước. Câu chuyện suy thoái kinh tế, nợ công, phát triển "nóng", tính cục bộ địa phương... và thiếu tầm nhìn chiến lược đang để lại nhiều hệ lụy.
Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu trong phiên thảo luận tổ trên diễn đàn Quốc hội ngày 21-10 rằng, ba nguyên tắc trụ cột của kinh tế nước ta đang bị vi phạm. Đó là: Tăng chi lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động; tốc độ tăng cho chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách và tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển.
Không khó để nhận thấy, cả ba trụ cột theo nhận định của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đều gặp nhau ở điểm nghẽn là nền kinh tế chưa thoát khỏi suy thoái. Thông tin ấy nhận được sự chia sẻ của nhiều cử tri, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi phải "bốc thuốc" ra sao để có thể hóa giải những bất cập nêu trên?
Nhiều dự báo cho thấy, năm 2014, nhiều khả năng dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 10%. Lãi suất xuống thấp mà dư nợ tín dụng tăng không cao phản ánh hai điều: Nợ công chưa được giải quyết và sản xuất gặp khó khăn. Cả năm nay, ngân hàng cam kết sẵn sàng "cho vay ưu đãi" mà doanh nghiệp không vay thì rõ ràng là sản xuất, kinh doanh đang khó khăn ra sao, đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất hầu như là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng cái gọi là "cho vay ưu đãi" cũng cần phải xem lại khi nhiều ngân hàng hiện vẫn cho vay trung và dài hạn với lãi suất khoảng 11-12%/năm. Trong khi đó, theo tính toán của thế giới, với lãi suất cho vay mức 10%/năm thì doanh nghiệp hầu như đã kinh doanh không có lợi nhuận. Ở chiều ngược lại, nợ xấu vẫn còn đó, doanh nghiệp chưa giải quyết được thì ngân hàng cũng không cho vay là đương nhiên. Doanh nghiệp "chết" đồng nghĩa với hậu quả lại "trôi" về phía ngân hàng, gia tăng nguy cơ nợ xấu. Doanh nghiệp phá sản kéo theo công ăn việc làm của người lao động mất đi, thất thu thuế..., làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp khó lường. Do đó, để giải "cục máu đông" là dư nợ tín dụng, đã không ít chuyên gia đưa ra quan điểm: Ngân hàng Nhà nước nên giảm chiết khấu để các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất. Luận điểm đó rất đáng để lưu ý trong bối cảnh hiện nay.
Ở góc độ khác, câu chuyện quỹ lương chi cho các cơ quan công quyền ngày càng lớn và tăng chi lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động là rất đáng suy nghĩ. Rõ ràng, ai cũng nhận thấy bộ máy hành chính hiện đang rất cồng kềnh. Rất khó lý giải chuyện một số bộ, cơ quan ngang bộ hiện vẫn dôi dư thứ trưởng theo quy định của Chính phủ. Tương tự, số phó vụ trưởng, phó cục trưởng ở nhiều bộ cũng tăng lên. Nhiều bộ, ngành đang xin lập thêm tổng cục, cục. Điều đó cho thấy vấn đề "tinh giản biên chế" đã được nêu ra từ hàng chục năm trước đến nay vẫn chưa đạt kết quả, kéo theo nguồn chi ngày càng lớn mà hiệu quả công việc ở nhiều nơi vẫn bị đặt dấu hỏi.
Mạnh dạn nhìn ra hạn chế, bất cập đã là việc khó nhưng để loại bỏ những "ung nhọt" trong quá trình phát triển cần đòi hỏi nỗ lực gấp bội. Hơn lúc nào hết, đó là nhiệm vụ cấp thiết trong thời điểm hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.