(HNM) -
Tháng 10, lại đến mùa xét Giải sách hay sách đẹp của Hội Xuất bản. Đặt ra giải này không phải để phân biệt sách hay khác với sách đẹp, mà đó là một thực tế xuất bản hiện nay, khi hai tiêu chí này đôi khi không hội đầy đủ ở một cuốn sách, nhưng lại có những nỗ lực riêng cần phải ghi nhận. 3.000 ấn bản đặc biệt của "Lá nằm trong lá" (Nguyễn Nhật Ánh) được in bằng loại giấy nhập ngoại, nhẹ, xốp, dai, ít hút ẩm... Cuốn "Từ kinh đô đến Thủ đô" của "nhà" Kim Đồng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khổ to, hơn 200 trang mà nhẹ bẫng, phảng phất màu cổ xưa. Rồi "SBC là săn bắt chuột" của Hồ Anh Thái cũng không thể nói là in không công phu.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký sách tặng bạn đọc. Ảnh: Đo Đo |
Nhà "Trẻ" từ chối không bật mí về tên loại giấy mới (giá tăng khoảng 10-20% so với giấy thông thường). Nhưng mới đây cuốn "Hoàng tử bé" của Đông Tây làm cũng phải gửi vào Nam để in bằng loại giấy nhẹ xốp và dai này. Sách cũng là một sản phẩm văn hóa, đẹp, ấn tượng để gây chú ý với bạn đọc và để cạnh tranh. Nhưng có nhiều cuốn sách hay, tiếc thay lại quá lặng lẽ về cả hình thức lẫn cách thức quảng bá. "Sau rừng là biển" tiểu thuyết mới của nhà văn Đỗ Kim Cuông được bạn văn đưa lên trang web của nhà thơ, nhà phê bình trẻ Lê Thiếu Nhơn. Cuốn sách hơn 200 trang, khổ 13x19cm với gam bìa trầm, thật khó tìm! Tìm được, đọc thấy hấp dẫn, nhưng cũng hiểu vì sao tác phẩm không nằm ở bàn "sách hot". Đề tài về chiến tranh và hậu chiến, hình thức quá đơn giản. Nhưng tiếc hơn là trong khi mạch truyện đang hồi cao trào, văn đang trôi thì vấp ngay mấy trang in ngược. Ngó lại bìa, thấy không có đối tác liên kết nào, trừ "nhà" Lao động. Thôi thì, tự xua đi bực dọc, quay ngược sách lại đọc tiếp và nhủ "ấn bản đặc biệt, chỉ để… sưu tầm!"
Về chuyện này, lại liên quan đến chính sách đầu tư, đặt hàng tác phẩm của nhà nước. Trong kế hoạch phối hợp vừa được ký tháng 9-2011 giữa Bộ VH-TT&DL với UB Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cũng đề cập. Lộ trình vào năm 2012 nêu rõ: "Tổ chức phát động thi sáng tác VHNT về đề tài chiến tranh cách mạng và thống nhất Tổ quốc, lựa chọn tác phẩm xứng đáng để đặt hàng. Đồng thời, lựa chọn đầu tư đối với tác giả có tác phẩm xuất sắc về đề tài này". Thiết nghĩ đây chỉ là một ví dụ. Với nhiều hình thức phối hợp khác, nhà nước có thể đầu tư để các tác phẩm giá trị về các đề tài quan trọng khác được đến với công chúng với hình thức một ấn phẩm đẹp, ngang với tiêu chuẩn sách quốc tế.
Nghệ thuật để phát hành
Sách in đẹp đương nhiên nằm trong kế hoạch phát hành của NXB. Không ai chịu đội giá giấy cao chỉ để tặng hoặc bày. Đánh trúng vào tâm lý sở hữu của người đọc, nhiều ấn phẩm khoác thêm tờ áo với dòng chữ "Ấn phẩm đặc biệt", thậm chí được đánh số…Và đa phần, những ấn phẩm này không để dành cho người đến muộn. Cuốn sách về 1000 năm Thăng Long-Hà Nội của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc là một ví dụ.
Ông Phạm Sĩ Sáu (Trưởng phòng Truyền thông NXB Trẻ) thẳng thắn bày tỏ: "Thực chất thì từ sau sự kiện sách 1000 năm Thăng Long, "nhà" Trẻ đã có thêm kinh nghiệm phát hành. Thị trường rất đa dạng, nhiều đối tượng bạn đọc. Trong đó ngoài người đọc sách còn có cả những người chơi sách (nhu cầu sưu tầm, trưng sách "hot"). Làm sách cũng là kinh doanh, vậy thì phải tìm ra những ngách có thể kinh doanh. Ví dụ cuốn "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" khi in với tiêu đề: 2.000 bản đầu tiên duy nhất, lập tức độc giả mua rất nhanh".
Mới đây, Thái Hà book cho ra mắt "Chuyện đời vớ vẩn" của Nguyễn Quang Lập. Phải nói đây là một nhà văn đã thành danh, nhưng không vì thế mà trang bìa không mất công để gây ấn tượng. Chữ không in nhũ như ấn bản đặc biệt "Lá nằm trong lá" song cũng lấp lánh không kém. Và nữa, đó là việc quảng bá. "SBC là săn bắt chuột" có một buổi ra mắt gắn liền với sự kiện NXB Trẻ có địa chỉ chi nhánh mới. Nhiều tác giả trẻ (như Di Li với tác phẩm mới vừa qua) cũng có những buổi giới thiệu sách ấn tượng. Có ý kiến cho rằng, ý thức cùng vai trò của tác giả trong việc tham gia vào quá trình xuất bản tác phẩm cần phải được coi trọng. Nhà văn Hồ Anh Thái đã yêu cầu được lựa chọn họa sĩ, được kiểm soát bản thảo chính thức trước khi tác phẩm "SBC là săn bắt chuột" phát hành. Bên cạnh đó, chuyện này cũng lại liên quan đến kinh phí quảng bá. Với những tác phẩm không có đối tác liên kết, hoặc chính các NXB đứng ra làm “bà đỡ” thì sách in ra là coi như xong xuôi. Mới đây, dự thảo thông tư liên tịch giữa Bộ VH-TT&DL với Bộ Tài chính về "Hướng dẫn hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật ở TƯ và các hội VHNT địa phương giai đoạn 2011-2015" có đề cập tới nội dung hỗ trợ kinh phí cho khâu quảng bá tác phẩm, bên cạnh khâu sáng tác, thực tế. Nhưng đây mới đang là dự thảo. Rồi đến khi có hiệu lực, còn phải mất một thời gian để đi vào đời sống.
Mặc dù đặt cạnh nhau các tác phẩm không nhằm so sánh tác giả này với tác giả kia, đề tài này với đề tài kia, nhưng không ai cấm được bạn đọc so sánh và lựa chọn các ấn phẩm vừa hay về nội dung lại vừa đẹp về hình thức. Sự thiệt thòi lại thuộc về nhà văn!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.