Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lên, nhìn xuống…

Dục Tú| 23/08/2011 06:32

(HNM) - Ta vẫn thường nhìn lên, thấy rõ sự quan tâm của nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, tỉnh cả người khi thấy mức đầu tư cho giáo dục tăng dần qua mỗi năm, nay đã ở quanh mức 20% tổng chi ngân sách. Lớn lắm chứ!


Ta vẫn biết qua những con số thống kê mà nhiều người thường gọi là "biết nói", ấy là chỉ riêng nguồn vốn cho đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên năm 2010 đã là hơn 6.000 tỷ đồng. Trong năm ấy đã triển khai xây dựng hơn 22.000 phòng học (hơn một nửa số đó đã hoàn thành). Tại Hà Nội, Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 16-6-2009 hướng tới mục tiêu xóa hơn 5.500 phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp cũng có nguồn vốn đầu tư khái toán chừng 1.500 tỷ đồng… Nhà nước và xã hội đã cố nhiều, đã không tiếc tiền "tấn" đổ vào chương trình sách giáo khoa, đã cổ vũ và tạo điều kiện cho nhiều phong trào của ngành giáo dục nở hoa, kết trái…

Vậy mà, những ngày này, liên quan đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ, thật khó để không nghĩ về hai chuyện. Ấy là bệnh tay chân miệng xuất hiện ở nhiều nơi, đe dọa mạng sống của các em. Ấy là chuyện con trẻ bước vào năm học mới trong nỗi ì xèo của phụ huynh và gia đình đâu đó.

Thôi thì dịch bệnh, vốn dĩ nhiều nước cũng phải lao đao, ta còn khó tứ bề thì đâu dễ dẹp ngay tắp lự. Nhưng còn phòng học đủ mức tối thiểu, chỉ là tối thiểu thôi, không dột nát, không quá chen chúc cho những ngày đầu đời đến trường của trẻ được nhẹ nhàng, được vui, thì sao?

Mùa tựu trường năm nay vẫn phảng phất buồn như nhiều mùa trước. Cúi đầu nhìn xuống vẫn thấy đầy thông tin chẳng muốn đọc, nghe. Mấy hôm trước là chuyện trẻ mầm non ở Hữu Bằng, Thạch Thất (Hà Nội) phải tìm nilon mỗi khi "buồn", hóa ra cái tên trường ấy có trong phụ lục "Tổng hợp danh mục các dự án đầu tư xây dựng, xóa phòng học xuống cấp năm 2009 - 2010" đi kèm Kế hoạch số 86 đề cập trên đây. Mấy hôm trước nữa là thông tin "nhiều khu đô thị trắng trường", nhiều trường tiểu học có sĩ số trên 50, trên 60 học sinh; các cháu mầm non ở một số nơi còn chịu cảnh quá tải khủng khiếp hơn nữa - "phổ biến ở nhiều trường vẫn là 65-70 học sinh/lớp" trong khi theo điều lệ do bộ chủ quản ban hành thì mỗi lớp có 2 cô giáo chỉ duy trì số trẻ dưới 35… Đó là chỉ nói về cơ sở vật chất phục vụ sự học, chứ chưa đề cập những điều khác vốn đã và đang khiến xã hội đau đầu, như chuyện "loạn phí đầu năm", chuyện "nửa đêm xếp hàng ghi danh cho con vào trường"… Đầu tư tăng đáng kể, xã hội hóa có chiều hướng tăng, sao một số "bệnh" như thể ngày càng "nặng"?

Bây giờ mà hỏi nguyên do của cái sự ấy, biết đâu chẳng thể khác bao thứ khách quan. Rằng địa phương không vào cuộc, đất xây trường đâu ra. Cái "ông" dự án xây dựng chỉ mải lo xây căn hộ kiếm lợi nhuận, chẳng nghĩ chuyện xây trường. Rằng, tại phụ huynh cứ mải miết lao vào những "điểm", những "chuyên", những "chuẩn", không chịu cho con vào chỗ bình thường. Sao cứ là cho con đi học thêm học nếm dù đã rõ khuyến cáo chỉ học chính khóa là đủ kiến thức cho mọi kỳ thi. Sao các vị cứ cầm đèn chạy trước… chương trình thế nhỉ, cứ là phải cho con học xì xồ tiếng nước khác ở tuổi mẫu giáo mới được…

Bao lý do khách quan, biết bao giờ trẻ mới đỡ nhọc? Ai chịu trách nhiệm lèo lái con thuyền giáo dục vượt trên những thứ "khách quan" ấy?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lên, nhìn xuống…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.