2015 đã chứng kiến hàng loạt các sự kiện mang dấu ấn quyết định lịch sử. Bên cạnh những câu chuyện được giải quyết êm đẹp vẫn còn tồn đọng hàng loạt các vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo toàn cầu.
Khủng bố trên đất nước hòa bình
Tháng 1/2015, hai tay súng sau khi xông vào tòa soạn báo Charlie Hebdo (Paris, Pháp) đã lấy đi 12 mạng người và làm 11 người khác bị thương. Cuộc tấn công cùng 4 vụ việc khủng bố liên quan trong 3 ngày sau đó thôi thúc hàng triệu người đồng lòng xuống đường biểu tình toàn nước Pháp. Trên khắp nơi trên thế giới, mọi người sử dụng cụm từ “Je suis Charlie” như một lời ủng hộ sức mạnh đoàn kết cùng nhau chống chủ nghĩa khủng bố.
Vào tối 13/11, cũng tại thủ đô Paris, một nhóm khủng bố đã thực hiện 7 vụ tấn công cùng một lúc vào các tụ điểm công cộng, gây chấn động toàn thế giới. Theo chính quyền Tổng thống Francois Hollande, đây là đợt tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Pháp kể từ Thế chiến thứ II.
7 tên khủng bố được trang bị bom, vũ khí tự động và áo vest chứa chất nổ liều chết tấn công, khiến 130 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm đứng đằng sau các vụ thảm sát đẫm máu đó.
Nội chiến Syria và khủng hoảng tị nạn
Một bé gái bị thương khi đứng trong bệnh viện dã chiến tại thị trấn Douma, phía đông thủ đô Damascus – nơi đang bị quân nổi dậy kiểm soát. Cảnh tượng bệnh viện hỗn loạn với nhiều người dân bị thương sau đợt tấn công của quân đội chính phủ Syria vào ngày 22/8.
Cuộc nội chiến tại Syria bắt đầu từ năm 2011 và kéo theo hàng loạt hậu quả khôn lường. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, có hơn 750.000 người đã vượt qua Địa Trung Hải để vào châu Âu, mong trốn thoát bạo lực, đói nghèo ở Trung Đông và châu Phi.
Thi thể cậu bé 3 tuổi Aylan Kurdi trôi dạt vào bờ biển khu nghỉ dưỡng Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 2/9 đã khiến cả thế giới choáng váng về sự thực tàn khốc trên những chuyến tàu chở quá tải người tị nạn lênh đênh vượt biển. Gia đình cậu bé đang trên đường từ Syria tới hòn đảo Kos của Hy Lạp thì bỗng dưng thuyền bị lật úp vào sáng sớm. Hình ảnh của Aylan ngay lập tức dẫn đến nhiều cuộc tranh luận nảy lửa “Ai là người chịu trách nhiệm trước tình trạng này, chúng ta có thể làm điều gì để ngăn chặn những thảm kịch tương tự?". Theo số liệu của Tổ chức quốc tế Nhập cư, hơn 3.400 người đã được báo cáo mất tích hay chết trên biển Địa Trung Hải chỉ trong năm 2015.
Biển người nối đuôi nhau đi qua biên giới từ Croatia vào Slovenia khi giới chức tại đây tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng di cư lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ II.
Cơn thịnh nộ của Mẹ Trái Đất
Ngày 25/4, Nepal đã phải hứng chịu trận động đất 7,8 độ richter có sức phá hủy khủng khiếp, lấy đi sinh mạng của hơn 8.800 người và khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Hàng trăm cơn địa chấn kéo theo cùng với trận động đất lớn thứ hai xảy ra vào 12/5 lại một lần nữa khiến người dân quốc gia Trung Á này chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Đường phố Nhật Bản ngập trong biển nước sau cuộc đổ bộ của cơn bão thế kỷ Etau vào tháng 9.
Các quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi khói từ những đám cháy rừng ở Indonesia.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Bắc Kinh ngày 7/12 đã ban bố mức báo động đỏ về ô nhiễm không khí, mức cao nhất trong thang cảnh báo ô nhiễm của nước này.
Ngày 12/12 đi vào lịch sử khi các đại biểu từ 195 nước tham gia Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) đã thông qua Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hôn nhân và bình đẳng giới
Cộng đồng LGBT năm vừa qua đã có được chiến thắng lịch sử khi lần đầu tiên hai quốc gia Ireland và Mỹ công nhận hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Trên Facebook, hơn 26 triệu người dùng đã đồng loạt chuyển ảnh đại diện sang sắc cầu vồng 7 màu, bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình tới cộng đồng LGBT.
Ngày 12/12, Saudi Arabia đã tiến hành cuộc bầu cử địa phương đầu tiên có sự tham gia của các cử tri và ứng cử viên là phụ nữ.
Bất đồng ngoại giao
Trong bữa trưa dành cho các nhà lãnh đạo thế giới sau bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sáng 28/9 (giờ địa phương), khi Tổng thống Nga Putin quay sang cụng ly chúc mừng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đáp lại với ánh nhìn lạnh lùng. Vốn dĩ hai nước trong năm qua vẫn tiếp tục căng thẳng về những bất đồng liên quan tới khủng hoảng Ukraine và nội chiến Syria.
Chiều 24/11, một máy bay ném bom Su-24 của Nga đang tham chiến chống IS tại Syria đã bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Sự việc đẩy quan hệ hai nước leo thang căng thẳng với hàng loạt động thái trả đũa qua lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.