(HNMO) - Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV vừa khép lại ngày 19-6 với nhiều dấu ấn đáng nhớ. Đây là kỳ họp đầu tiên, Quốc hội họp trực tuyến liên tục trong nhiều ngày, nhưng diễn ra thông suốt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình theo kế hoạch, được cử tri đánh giá cao.
Bám sát thực tiễn đời sống
Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã xem xét, thảo luận và thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác. Đây là những luật, nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại..., đồng thời đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hậu quả dịch Covid-19.
Đáng chú ý, Quốc hội đã ra Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) và phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức, tạo điều kiện để đất nước tăng cường hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia... Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Bày tỏ sự phấn khởi khi Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua, cử tri Nguyễn Quý Chất (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cho biết, Nghị quyết với nhiều quyết sách “mở” giúp Hà Nội chủ động hơn trong sử dụng, huy động các nguồn lực phát triển xứng đáng với vị thế, vai trò là trái tim của cả nước…
Cử tri Nguyễn Văn Sinh (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) đánh giá cao phiên thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020. "Những vấn đề gắn bó mật thiết đến cuộc sống người dân, như: Kiểm soát giá thịt lợn; những giải pháp bảo đảm an sinh xã hội sau dịch Covid-19… đã được bàn thảo, tranh luận tìm giải pháp. Diễn đàn Quốc hội đã ngày càng bám sát thực tiễn”, cử tri Nguyễn Văn Sinh nói.
Tạo động lực đổi mới
Đánh giá cao kết quả của kỳ họp thứ chín, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, việc Quốc hội thông qua những hiệp định thương mại quốc tế quan trọng sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vươn ra các thị trường trọng điểm, đặc biệt là thị trường châu Âu.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Đoàn tỉnh Quảng Trị) cho rằng, mặc dù lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến với thời gian khá dài, song chất lượng kỳ họp đạt kết quả cao. Chung quan điểm, đại biểu Quàng Văn Hương (Đoàn tỉnh Sơn La) nhận định, hình thức họp trực tuyến đã góp phần tiết giảm chi phí, vừa giúp các đại biểu hoàn thành trọng trách dân cử, vừa có thể kết hợp giải quyết công việc tại địa phương, đơn vị…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cũng đề nghị, kỳ họp tới, cần tổ chức phiên chất vấn trực tiếp các bộ trưởng, trưởng ngành để giải đáp những vấn đề cần giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Nhận xét về kết quả của kỳ họp thứ chín, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dù cả hai đợt họp toàn thể và trực tuyến ngắn hơn so với các kỳ họp trước (19 ngày), nhưng Quốc hội vẫn hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng.
"Việc tổ chức thành công kỳ họp tạo niềm tin, động lực để chúng ta tiếp tục cải tiến, đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, mặc dù các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước được khôi phục trở lại, các vấn đề an sinh xã hội đang tích cực được giải quyết, nhưng đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Từ đó, đề nghị Chính phủ có giải pháp triển khai, tổ chức thi hành hiệu quả các điều ước quốc tế mới được thông qua; thông tin, tuyên truyền rộng rãi để các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, người dân hiểu rõ; từ đó nắm bắt tốt các cơ hội, đưa đất nước tiếp tục phát triển…
Khép lại một kỳ họp với nhiều dấu ấn, cử tri Thủ đô Hà Nội và cả nước mong muốn, tin tưởng các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.