(HNM)- Nhiều người đã so sánh thế này:
Đến năm 2010, thể thao Việt Nam thất bát HCV tại ASIAD 16 thì ngay lập tức đội tuyển bóng đá thất bại tại AFF Cup". Tất nhiên, đó là lập luận của người duy tâm. Nhiều người khác nhìn vào năm 2010 để tìm cái được và mất tại ĐH Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 16 và Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup), thấy cái sự được nhiều hơn…
Bức tranh thật
ĐT bóng đá nam VN đã gây thất vọng lớn cho người hâm mộ tại AFF Cup 2010. Ảnh: N.Ý
ASIAD 16 là bức tranh phản ánh rõ nhất sự phát triển của thể thao Việt Nam trong 4 năm qua. Chỉ đoạt 1 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ tại ASIAD 16, thể thao Việt Nam đã bộc lộ tất cả mặt được và chưa được. Không hoàn thành chỉ tiêu đoạt 4-6 HCV, một số môn được kỳ vọng gây bất ngờ thì lại thất bại như lẽ đương nhiên, bởi cách đánh giá không sát trình độ châu lục. Một số "hy vọng vàng" như cầu mây, cờ vua cũng không thể với tới vì lý do chuyên môn cũng như ngoài chuyên môn. Thành tích chuyên môn của đoàn Việt Nam đã bộc lộ những bất cập trong quá trình chuẩn bị cho một ĐH thể thao cỡ châu lục. Từ ASIAD 15 ở Qatar đến ASIAD 16 tại Trung Quốc, thể thao Việt Nam đã không đầu tư liên tục cho những môn, nội dung và VĐV trọng điểm dẫn đến sự phát triển thành tích của VĐV nhiều môn bị hạn chế. Chuyện dinh dưỡng cho VĐV là ví dụ rõ nét. Lúc VĐV cần nạp năng lượng để đáp ứng yêu cầu tập nặng, tích lũy thể lực thì chế độ dinh dưỡng lại vừa phải, đến lúc sắp vào ĐH thì mức dinh dưỡng lại được bổ sung tới 200.000 đồng/người. Đến lúc này, có muốn ăn thì VĐV cũng chịu. Và nhiều người đã mong rằng nếu cả năm được hưởng mức dinh dưỡng như khi sắp vào ĐH thì thành tích còn tốt hơn nhiều. Ngay ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Ủy ban TDTT cũ) đến giờ vẫn còn tiếc cho việc đầu tư vào những tài năng lớn của thể thao Việt Nam. Theo ông, nếu Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) được quản lý tốt và có chuyên gia thì không đến nỗi vướng vào doping tại Giải vô địch thế giới 2010, vì đó mà mất quyền tham dự ASIAD 16; nếu Vũ Văn Huyện (điền kinh) được đầu tư tốt hơn về dinh dưỡng thì thành tích 10 môn phối hợp cũng không chỉ dừng ở mức HCĐ ASIAD 16…
Dinh dưỡng và quản lý VĐV chỉ là một phần trong khâu chuẩn bị cho các cuộc đấu lớn. Nhưng ít ra nó cũng chỉ rõ sự thiếu quyết liệt và xuyên suốt trong kế hoạch đưa VĐV phát huy hết khả năng của thể thao Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2010 cũng gây thất vọng cho người hâm mộ. Vào bán kết trong tình cảnh người người thót tim; bất lực trong cuộc chinh phục Malaysia ở bán kết là những điều hiển nhiên. Đội tuyển Việt Nam đã trở thành cựu vương Đông Nam Á, không hoàn thành chỉ tiêu vào chung kết AFF Cup. Những lý do thất bại đã được đưa ra từ việc tập trung quá dài gây ảnh hưởng tâm lý không tốt cho cầu thủ; chấn thương của hàng loạt trụ cột; sự thiếu may mắn; khả năng dứt điểm kém của tiền đạo đến tâm lý nhập cuộc luôn muốn "ăn tươi nuốt sống" đối thủ cho xứng với vị thế nhà vô địch thay vì thận trọng hơn… Những lý do ấy đều xác đáng và không phải bàn cãi nhiều. Vấn đề chỉ là khắc phục thế nào.
Cái được trong cái mất
Việc không hoàn thành chỉ tiêu tại ASIAD 16 đã giúp các nhà quản lý ngành thể thao thêm quyết tâm trong việc cải tổ phương cách đầu tư cho thể thao thành tích cao. Thực tế từ năm 2009, các nhà quản lý ngành đã nhận ra vấn đề này và bước đầu đầu tư mạnh mẽ cho những môn, nội dung trong hệ thống thi đấu Olympic. Nhưng từng ấy là chưa đủ, bởi chưa được hiện thực hóa trên giấy tờ văn bản. Cũng vì vậy mà sau màn trình diễn thuyết phục của các VĐV điền kinh, bắn súng, vật nữ hạng nhẹ ở ASIAD 16, định hướng thể thao Việt Nam giai đoạn 2010-2020 mới thay đổi với nhóm 1 gồm 10 môn trong hệ thống thi đấu Olympic cũng như có khả năng giành HCV tại ASIAD (trước đó trong dự thảo lần 1 chỉ có 6 môn và có cả wushu,
vovinam). Từ nay, thể thao Việt Nam sẽ hoàn toàn tập trung vào ASIAD cũng như Olympic thay vì chú trọng quá mức đấu trường SEA Games. Ngay cả cách đầu tư cho VĐV cũng được lãnh đạo ngành hứa hẹn thay đổi triệt để, khác hẳn trước đây, để thể thao Việt Nam không còn mong manh cơ hội đoạt HCV như trước ASIAD 16.
Giả sử, thể thao Việt Nam vẫn hoàn thành chỉ tiêu tại ASIAD 16 thì định hướng, cách đầu tư cho VĐV chắc gì đã thay đổi triệt để (ít nhất là trên văn bản) như trong thời gian qua? Nói tìm ra cái được trong sự mất là vì thế.
Trong khi đó, thất bại trong cuộc bảo vệ ngôi vương Đông Nam Á cũng giúp người ta nhìn nhận ra nhiều điều về đội tuyển quốc gia. Ở đó, đội tuyển Việt Nam đã trở về đúng vị thế thật sự của mình ở khu vực. Chắc chắn đó không phải là vị trí cao nhất như nhiều người lầm tưởng sau chức vô địch AFF Cup cách đây 2 năm. Khi không có may mắn đi kèm, đội tuyển đã không thể dùng tài năng để vượt qua mọi đối thủ trong khu vực. Khi áp dụng lối chơi tấn công áp đặt, dù vẫn có những pha luân chuyển bóng liên tục, đẹp mắt thì đội tuyển Việt Nam không còn là mình. Đội tuyển chỉ thật sự là mình nếu áp dụng lối đá "phòng ngự chặt - phản công nhanh" như đã từng làm tại AFF Cup 2008. Và một điều khác được rút ra, ông Calisto không phải là "phù thủy", lúc nào cũng giành chiến thắng ở những giải đấu quyết định. Ông cũng có lúc phạm sai lầm, nhưng quan trọng là ai sẽ góp ý để ông nhận ra và khắc phục sai lầm của mình.
Thế nên, cứ như chuyện "tái ông thất mã" thì thất bại của thể thao Việt Nam tại ASIAD 16 hay đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup lại là cần thiết để biết mình đang ở đâu và biết cách bước đi vững chắc trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.