(HNM) - Tháng 1 luôn là thời điểm để tổng kết các hoạt động trong năm trước để chuẩn bị cho năm sau. Chẳng thế mà chỉ là âm nhạc trên truyền hình cũng có đến 4 cuộc thi lần lượt đi đến chung kết vào các ngày cuối tuần:
Nghiệp dư thừa chiêu trò
Khán giả Việt Nam rất yêu âm nhạc, nhưng vì thói quen và trong thời buổi kinh tế khó khăn thế này, họ dễ dàng chọn cách thưởng thức qua truyền hình. Vì thế các chương trình âm nhạc xuất hiện như "nấm sau mưa" đủ để khán giả vui buồn với truyền hình, nhất là những ngày cuối tuần.
Hoàng Quyên và Ya Suy song ca trong đêm chung kết Vietnam Idol 2012. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng |
Hai chương trình có sức thu hút nhất là "Giọng hát Việt" và "Vietnam Idol" đều mua bản quyền của nước ngoài. "Giọng hát Việt" là chương trình mới và đang đứng trước sự cạnh tranh với chương trình đã gây nhiều ấn tượng với khán giả là Vietnam Idol. Ngoài vòng "Giấu mặt" tạo hiệu ứng bất ngờ rất tốt thì càng vào sâu, chương trình càng bộc lộ nhiều sự dàn xếp, thiên vị. Có người hát hay lại không được chọn và người hát dở cứ thẳng tiến vào vòng trong. Điều nực cười là có nhiều sóng gió trong dư luận thế mà "Giọng hát Việt" vẫn nâng giá quảng cáo. Bởi khán giả càng phản ứng thì càng xem nhiều, cũng để "coi kết quả thế nào"… Và thay vì đầu tư vào tiết mục, kỹ thuật âm nhạc cho các thí sinh, chương trình đổ hết nỗ lực vào các chiêu trò, khiến có những đêm thi có quá nhiều lỗi kỹ thuật trong giọng hát của thí sinh.
"Vietnam Idol" ở mùa thứ 4 cũng không kém cạnh trong việc sử dụng chiêu trò để hút khán giả. Việc đưa những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt vào thay vì giọng hát tốt làm cho các đêm thi trở nên nghiệp dư chưa từng thấy. Nhiều giọng hát yếu, thiếu cá tính, rất nhiều phần thể hiện chênh phô khiến người nghe ngán ngẩm. Và đỉnh điểm, trở thành "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" không phải người hát hay nhất, vững nhất mà là chàng trai Ya Suy với giọng hát nhạt nhòa, còn quá run, ngợp mỗi lần ra sân khấu, chỉ được cái chân thật, chất phác.
Rõ ràng cả hai chương trình có lượng khán giả theo dõi cao nhất này đều thiếu chuyên môn. Bởi nhân vật chính chỉ là những người hát nghiệp dư, hoặc ca sĩ mới vào nghề.
Chuyên nghiệp thiếu sức hút
Trong hai "sân chơi" âm nhạc dành cho những người làm nghề chuyên nghiệp thì "Bài hát yêu thích" có lượng khán giả đông hơn "Bài hát Việt". Tuy nhiên "Bài hát yêu thích" vẫn quá loay hoay với kỳ vọng "trở thành một bảng xếp hạng kiểu Billboard của Việt Nam". Đối mặt với "tin nhắn rác", BTC chương trình xử lý bằng cách hủy rất nhiều bình chọn, khiến không ít ca sĩ bất bình rút khỏi cuộc chơi. Chương trình lại điều chỉnh tỷ lệ ảnh hưởng của tin nhắn bình chọn trong tổng lượng bình chọn làm khán giả chạnh lòng. Năm thứ 2, chương trình tiếp tục giảm tỷ lệ bình chọn ca khúc bằng tin nhắn, tăng tỷ lệ bình chọn của "Hội đồng khán giả đại diện" (Hội đồng bình chọn). Danh sách hội đồng này phần lớn là những người đứng tuổi, nhà báo, người hoạt động trong âm nhạc.
Chương trình "Bài hát Việt" năm nay ít khán giả theo dõi hơn nhiều bởi diễn ra song song với các chương trình đang "nóng" khác. Nhưng cũng phải thẳng thắn rằng, sự cũ kỹ trong cách thức dàn dựng, tổ chức chương trình thuần Việt này khiến người xem chán ngán, mặc dù chất lượng ca khúc và tác giả tham gia tốt, nhiều tác phẩm tiếp cận với xu hướng âm nhạc thế giới.
Điều đáng nói là khán giả, nhất là những người trẻ, đang bị hút vào trong những chương trình mang đến thứ âm nhạc quá "nghiệp dư". Một hệ lụy có thể nhìn thấy là nghe nhiều, xem nhiều, lâu dần họ sẽ quen với sự chênh, phô, thậm chí có thể mất dần cảm giác với âm nhạc chuẩn mực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.