(HNMO) - Năm 2011 là năm thứ ba triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo đó, trong năm 2011, tổng mức vốn TP bố trí cho các doanh nghiệp tạm ứng để dự trữ và bán hàng bình ổn 10 mặt hàng trong nhóm hàng bình ổn năm 2011 là 475 tỷ đồng (thực hiện từ 1/5/2011 đến 30/4/2012). Đến nay mạng lưới phân phối hàng hóa của 15 doanh nghiệp tham gia bình ổn đã tổ chức bán hàng tại 665 điểm (gấp đôi số 397 điểm bán năm 2010), trong đó có 304 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành, tăng gấp 4 lần số điểm bán ở khu vực ngoại thành năm 2010. Trong 665 điểm bán hàng có 128 điểm bán từ 4 đến 9 nhóm hàng, 537 điểm bán từ 1 đến 3 nhóm hàng.
Bên cạnh đó, nhằm triển khai hiệu quả và góp phần bình ổn giá thị trường trên địa bàn thành phố, đặc biệt khu vực thị trường nông thôn, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thương mại tổ chức hoạt động đưa hàng về nông thôn, tổ chức phiên chợ hàng Việt Nam để cung cấp cho nhân dân khu vực nông thôn hàng hóa đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và giá cả phù hợp.
Theo đó, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cùng các đơn vị thành viên (Công ty Siêu thị Hà Nội, Công ty TNHH NN 1TV Thực phẩm Hà Nội, Công ty CP Đầu tư & Thương mại Long Biên) đã tổ chức 36 phiên chợ Việt trên địa bàn, trong đó có: 32 chuyến bán hàng Phiên chợ Việt trên địa bàn các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh, Thanh Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Hoài Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đan Phượng; 04 chuyến bán bán Phiên chợ Việt tại các Khu công nghiệp như KCN Phú Nghĩa- huyện Chương Mỹ, Nội Bài- huyện Sóc Sơn, Quang Minh- huyện Mê Linh.
Mỗi phiên chợ được tổ chức từ 3 đến 5 ngày với quy mô từ 10 đến 15 gian hàng tiêu chuẩn, thu hút được hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm hàng hóa. Các đơn vị bán hàng áp dụng hình thức bán hàng tự chọn và thanh toán qua phần mềm nên tạo được phong cách mua bán văn minh. Về hàng hóa, bộ sản phẩm phục vụ phiên chợ hàng Việt Nam về các huyện của các đơn vị thực hiện phong phú về số lượng, chủng loại, mẫu mã và đảm bảo về chất lượng, vừa kết hợp bán hàng bình ổn giá và bán các hàng hóa tiêu dùng có xuất xứ Việt Nam với 150 - 300 mã hàng/phiên và được thay đổi, bổ sung để phù hợp với từng địa bàn.
Các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá cũng đã thực hiện 200 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất (có 16 chuyến bán hàng chính sách tập trung vào các xã vùng xa của 3 huyện Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì), trong đó: Tổng Công ty Thương mại cùng các đơn vị thành viên thực hiện 142 chuyến bán hàng; Công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II thực hiện 03 chuyến bán hàng tại KCN Bắc Thăng Long; Công ty TNHH NN 1TV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thực hiện 01 chuyến bán hàng tại huyện Từ Liêm; Công ty CP Intimex thực hiện 02 chuyến bán hàng tại huyện Thanh Trì…
Trong quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các quận, huyện, phường xã triển khai mở rộng mạng lưới kinh doanh như: Công ty TNHH một thành viên Lan Chi Business mở thêm 02 siêu thị tại huyện Thường Tín và Đan Phượng; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội mở rộng thêm 04 siêu thị tại các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Đan Phượng, Đông Anh và 03 cửa hàng tiện ích tại các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ; Công ty cổ phần Intimex Việt nam thêm 01 siêu thị tại Quận Đống Đa, Công ty cổ phần Nhất Nam mở thêm 01 siêu thị tại quận Hai Bà Trưng…
Nhìn chung, việc thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình nhằm bình ổn thị trường đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả, định hướng và bình ổn được thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, kiềm chế được tốc độ tăng giá và đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, về công tác quản lý thị trường, các đơn vị chức năng của TP đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng bạc, thu đổi ngoại tệ trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng cấm..; Xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn định thị trường… Tính đến ngày 15/12/2011, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra được: 7.423 vụ, xử lý: 7.184 vụ, phạt hành chính gần 17 tỷ đồng, hàng hóa tịch thu hơn 32,8 tỷ đồng, tổng số thu là trên 49 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ gắn với cuộc vận động năm 2011 đã phát huy tác dụng, góp phần tạo nên những chuyển biến sâu, rộng trong các thành phần kinh tế và toàn thể nhân dân Thủ đô về nhận thức và hành động trong việc xây dựng niềm tin, tạo thói quen cho người tiêu dùng Thủ đô sử dụng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhiều hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng Việt, các hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… đã được chú trọng triển khai thực hiện, đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp – thương mại trên địa bàn thành phố trong năm 2011.
Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao, dự kiến đạt 124.232 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2010. Về thương mại dịch vụ, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2011 đạt 1.200.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2010, trong đó tổng mức bán lẻ đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2010. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong các tháng thực hiện chương trình bình ổn giá (tháng 7 tăng 1,32%, tháng 8 tăng 1,06%, tháng 9 tăng 0,2%, tháng 10 tăng 0,13%) có mức tăng giảm dần so với các tháng trước đó (tháng 4 tăng 3,28%, tháng 5 tăng 1,76%; tháng 6 tăng 1,21%). Tháng 11 (tăng 0,29%) và tháng 12 (tăng 0,61%), tuy mức tăng có tăng dần nhưng so với các năm trước thì mức tăng chỉ số giá 2 tháng cuối năm vẫn ở mức thấp, đặc biệt xét trong điều kiện Tết Nguyên đán năm nay đến sớm hơn các năm trước.
Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành gắn với kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố Hà Nội và chương trình hành động của Bộ Công thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… phát triển sâu rộng hơn trên địa bàn TP Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.