(HNM) - "Nhìn 2" là chủ đề triển lãm ảnh đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tác giả triển lãm, nghệ sĩ Đặng Xuân Trường đã có nhiều năm đi khắp miền núi phía bắc và mang về Hà Nội ánh nhìn hồn nhiên khó quên của trẻ em vùng cao.
Một tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. |
Hai chục bức ảnh đen - trắng cỡ lớn treo kín triển lãm đều chụp những cái nhìn trực diện của trẻ em vùng cao. Giữa bối cảnh núi rừng huyền ảo, những bộ trang phục gợi tò mò của trẻ em Mông, người xem vẫn thấy ấn tượng với những đôi mắt trẻ nhỏ. Một bé gái có khuôn mặt bầu bĩnh, má bánh đúc, đôi mắt tròn xoe. Một bé trai miệng mũi lấm lem nhưng đôi mắt tưởng không thể trong sáng hơn được nữa. Ánh nhìn xa xăm của một bé gái đang địu em hay nét buồn man mác của bé gái ngồi trong nhà… Mỗi nhân vật trong ảnh mang khuôn mặt khác nhau, được đặc tả trong những không gian khác nhau nhưng cái nhìn của chúng luôn thể hiện sự hồn nhiên, trong sáng. Ở triển lãm, có những bức ảnh đặc tả khuôn mặt, hậu cảnh mờ mờ càng làm nổi bật ánh nhìn và cảm xúc nhân vật. Lại có những bức ảnh miền núi mà nhân vật là phần trung tâm, đẹp hài hòa với bối cảnh mà vẫn lưu lại ấn tượng không dễ quên về đôi mắt trẻ thơ. Đó có thể là điều dễ thấy nhất trong tấm ảnh chụp bé gái ôm con chó ngang hông, ảnh chụp một bé đang cõng những bó ngô trên vai…
Chụp những đứa trẻ hiếu động là điều không đơn giản, muốn bắt được cái thần của chúng trong bối cảnh mênh mang quyến rũ lại càng khó hơn. Nhưng Đặng Xuân Trường đã làm được điều đó, đem lại xúc cảm cho người xem bằng kinh nghiệm, kỹ thuật và năng lực cảm nhận, nắm bắt khoảnh khắc. Xuân Trường cho biết, tất cả những bức ảnh của anh được chụp một cách tự nhiên, không hề có sự sắp đặt, tạo hình, tạo dáng… "Sự sắp đặt, có chăng là tôi tác động vào bọn trẻ bằng cách tôi nhìn chúng và chúng trả lại tôi cái nhìn trong sáng", Xuân Trường nói thêm.
Tháng 4-2011, triển lãm "Nhìn" của Đặng Xuân Trường diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, cũng chụp những em bé Mông, cũng là những ánh nhìn, cũng ảnh đen - trắng, song "Nhìn 2" với những nhân vật khác, cho người xem những cảm xúc mới. Nếu như "Nhìn 1" là những cái nhìn ngây thơ thì "Nhìn 2" chất chứa suy tư, dường như già dặn hơn so với ánh mắt ở "Nhìn 1". Nhiều người cảm nhận sự buồn bã trong các bức ảnh, cho rằng trẻ em miền núi dường như phải đối mặt với chuyện cơm áo nên mới có cái nhìn khắc khoải. Song, với Xuân Trường, anh lưu lại khoảnh khắc của trẻ không phải để gợi vấn đề gì to tát, đơn giản là níu giữ sự ngây thơ chân thật tuyệt vời.
Triển lãm "Nhìn 2" kéo dài tới hết ngày 31-5. Đây là cơ hội để người xem có thể chạm vào sự trong sáng, hồn nhiên, gần gũi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.