Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vướng mắc khi tổ chức thực hiện

An Trân| 21/04/2012 07:00

(HNM) - Báo cáo mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cho thấy, đời sống của một bộ phận người có công đang gặp khó khăn do không còn sức lao động, không có nguồn thu nhập ổn định, sự giúp đỡ của xã hội chưa đủ để giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Hiện cả nước vẫn còn khoảng 5% số người có công có mức sống dưới trung bình, ở một số ít địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tỷ lệ này từ 10% đến 20% hoặc cao hơn.


Đại diện phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) thăm hỏi, tặng quà ông Huỳnh Đắc Hương, cán bộ lão thành cách mạng. Ảnh: Nguyệt Ánh

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay cả nước đã xác nhận được trên 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, các chính sách ưu đãi đối với người có công đã từng bước được hoàn thiện, tương đối toàn diện, bao phủ hầu hết các đối tượng người có công. Về cơ bản, các chính sách ưu đãi bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Mức trợ cấp ưu đãi người có công thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác tri ân, chăm sóc người có công luôn được các cấp chính quyền Thủ đô Hà Nội đặc biệt quan tâm. Hiện số người có công được quản lý trên địa bàn lên tới gần 800 nghìn người, chiếm 12,5% dân số. Hà Nội đã thông qua nghị quyết hỗ trợ công tác điều dưỡng luân phiên đối với người có công từ 5 năm/lần xuống 2 năm/lần. Đồng thời, tăng mức phụng dưỡng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng từ 400.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng. Riêng trong năm 2012, Hà Nội dự kiến kinh phí dành cho thực hiện chính sách người có công là hơn 177 tỷ đồng; trong đó thực hiện, điều dưỡng luân phiên 2 năm/lần là 24,820 tỷ đồng; quà các ngày lễ, tết cho các đối tượng người có công là 152,418 tỷ đồng. Đáng lưu ý, TP Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc giải quyết các chính sách tồn đọng sau chiến tranh, bảo đảm hầu hết người có công đều được công nhận và hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước như chi trả trợ cấp, cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc về chính sách và tổ chức thực hiện. Nguyên nhân là do việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện có lúc chưa kịp thời, chưa phù hợp, chưa tính hết vấn đề phát sinh gây nên tình trạng chậm trễ trong quá trình công nhận hay chi trả các chế độ ưu đãi đối với người có công. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện còn tồn đọng trên 50 nghìn hồ sơ đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ở các địa phương và khoảng 43 nghìn trường hợp đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh cần được xem xét, giải quyết. Không chỉ vướng mắc trong thủ tục, chính sách, sự sao nhãng trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thi hành chính sách này đã gây bức xúc trong dư luận. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định, khâu tổ chức thực hiện các chính sách đối với người có công tại một số nơi đang thiếu công bằng dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận. Ví dụ, tình trạng thương binh giả, bệnh binh giả, chứng nhận chất độc da cam cũng giả, thậm chí liệt sĩ cũng giả. Việc người thi hành chính sách lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước làm những việc không đúng, tuy không nhiều nhưng cũng đã gây bức xúc cho người dân cần được quan tâm xử lý nghiêm.

Chính sách ưu đãi người có công là một chính sách lớn và quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội, vì vậy Quốc hội cần sớm nghiên cứu, ban hành Luật Người có công với cách mạng trên cơ sở hợp nhất Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Chính sách, pháp luật về người có công trước hết phải bảo đảm để đồng bào được ăn no, mặc ấm, có nhà ở, con em được học hành, người ốm đau được chữa bệnh. Đồng thời, cần tính toán đẩy nhanh hơn tiến độ hoàn thành việc hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở trên cơ sở các cơ chế, chính sách đã ban hành; khẩn trương trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ... Đây chính là những việc làm thiết thực và trách nhiệm của toàn xã hội, của các thế hệ người đi sau tri ân với công sức, xương máu của biết bao thế hệ đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc.

Tính đến hết năm 2011, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ chính sách nhà ở cho cán bộ lão thành cách mạng (bố trí nhà ở cho 10.870 người với kinh phí là 443 tỷ đồng) và cơ bản đã giải quyết xong việc xóa nhà dột nát đối với hộ gia đình người có công thuộc diện nghèo ở khu vực nông thôn (15.475 hộ theo chuẩn nghèo cũ). Ngoài chính sách trợ cấp ưu đãi còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, miễn, giảm thuế... và sự tham gia có trách nhiệm của toàn xã hội đối với người có công.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vướng mắc khi tổ chức thực hiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.