Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Bài, ảnh: Thiện Mỹ| 14/12/2010 07:24

(HNM) - Đất của mình, tài sản của mình nhưng vẫn bị hạn chế một số quyền bởi đã 20 năm quản lý, sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đây là mối lo thường trực của khoảng 200 hộ được cấp đất giãn dân từ năm 1990 ở phường Phú Lương (quận Hà Đông) vì những vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Đất giãn dân của các hộ gia đình ở tổ dân phố 9, phường Phú Lương.

Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết: Năm 1990, UBND huyện Thanh Oai có quyết định cấp đất giãn dân cho người dân xã Phú Lương (nay là phường Phú Lương, quận Hà Đông). Việc cấp đất thực hiện theo tiêu chí, được bình xét từ cơ sở với khoảng 200 hộ có đủ điều kiện, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tháng 10-2010, 19 hộ được cấp đất giãn dân ở tổ dân phố 9 đã gửi đơn đến UBND phường Phú Lương xin làm thủ tục cấp GCNQSDĐ. Các hộ đã mời cơ quan chức năng về đo hiện trạng, song do không thể cung cấp quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền nên hồ sơ vẫn chưa thể hoàn chỉnh. Anh Nguyễn Đức Mạnh, tổ dân phố 8 cho hay: "Đất giãn dân của 19 hộ thuộc cánh đồng Cộc (ngõ giữa), theo quy hoạch là hai dãy nhà quay lưng với nhau và có dành đất để làm ngõ đi. Cán bộ xã ngày ấy đến đo, cắm mốc cho từng hộ, mỗi lô có diện tích 120m2. Khi nộp tiền cho UBND huyện Thanh Oai, các hộ chỉ nhận được biên lai thu tiền, ngoài ra không có thêm một loại giấy tờ gì khác". Ông Đào Cư Tuệ, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương cũng thừa nhận: Khi cấp đất giãn dân, UBND huyện Thanh Oai chỉ ra một quyết định cấp đất giãn dân chung chứ không có quyết định đến từng hộ. Bản đồ địa chính xã Phú Lương đo đạc năm 1997 cũng có rất nhiều điểm mâu thuẫn với thực tế bởi nhiều diện tích đã được cấp đất giãn dân nhưng vẫn thể hiện là đất công hoặc đất nông nghiệp. Trong số những hộ được giao đất giãn dân, có hộ nộp thuế sử dụng nhà đất, có hộ lại không nộp và nhiều hộ đã sử dụng vượt quá diện tích được giao. Cán bộ UBND phường đã tìm ở bộ phận lưu trữ hồ sơ nhưng không thấy quyết định giao đất giãn dân; thậm chí sổ sách quản lý đất đai những năm 1990 liên quan đến việc cấp đất giãn dân hiện nay phường cũng không lưu giữ được. Phường đã hai lần cử cán bộ đến UBND huyện Thanh Oai để làm việc, tìm quyết định giao đất, nhưng cũng chưa thấy. Thêm một khó khăn nữa là đến nay phường cũng chưa thể rà soát hết các trường hợp được cấp đất giãn dân có phù hợp với quy hoạch của khu dân cư hay không do quy hoạch chi tiết phường chưa có và một số dự án trên địa bàn phường có khả năng còn phải điều chỉnh. Việc các hộ được giao đất giãn dân là thực tế, nhưng do thất lạc hồ sơ, dữ liệu thể hiện chưa chuẩn xác nên chưa xác định được. Để giải quyết tồn tại này, UBND phường sẽ báo cáo cấp trên, xin chỉ đạo để tìm cách tháo gỡ.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 thì: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15-10-1993, nay được UBND xã, phường xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất… thì được cấp GCNQSDĐ. Điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 cũng ghi rõ: Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ (biên lai thuế nhà, đất; giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà…) thì phải có xác nhận của UBND cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất …

Quy định đã rõ ràng như vậy nhưng với một hệ thống sổ sách, bản đồ đầy mâu thuẫn, thiếu chuẩn xác so với thực tiễn như đã nêu trên thì quả là khó. Đây không chỉ là "nút thắt" trong tiến trình cấp GCNQSDĐ đối với 200 hộ được cấp đất giãn dân mà còn là khó khăn chung của hơn 2.000 hộ chưa được cấp GCNQSDĐ trên địa bàn phường Phú Lương. Lỗi này thuộc về "lịch sử" nhưng không quá khó để khắc phục. UBND quận Hà Đông cần sớm có hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện dứt điểm để bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.