Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều việc cần phải làm ngay

Vân Nga thực hiện| 24/07/2010 08:13

(HNM) - Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 (TĐTDS) được công bố ngày 21-7 là thời điểm tròn 10 năm Việt Nam nhận Giải thưởng quốc tế của Liên hợp quốc về thành tích công tác DS-KHHGĐ.


Tuy nhiên, cũng từ kết quả này đã cho thấy một số vấn đề nổi lên trong dự thảo Chiến lược DS/SKSS và Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015. Sau đây là cuộc trao đổi giữa Báo Hànộimới và TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tổng cục DS-KHHGĐ.


Cán bộ y tế quận Hoàn Kiếm tư vấn dân số, sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trên địa bàn.  Ảnh: Huyền Linh


- Thời kỳ cơ cấu DS "vàng" với cơ hội và thách thức lớn về học vấn và đào tạo nghề cho nguồn nhân lực được thể hiện trong kết quả TĐTDS lần này như thế nào, thưa ông?

- Sau 10 năm, tỷ lệ biết chữ của DS từ 15 tuổi trở lên đã tăng 3,7 điểm phần trăm (từ 90,3% năm 1999 lên 94,0% năm 2009), tỷ lệ này của nữ tăng 4,9 điểm phần trăm trong khi của nam chỉ tăng 2,2 điểm phần trăm, làm cho chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể. Địa phương có tỷ lệ biết chữ cao nhất là Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh (97,9%) và thấp nhất là Lai Châu (59,4%). Điều đó thể hiện những thành công của công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục của nước ta.

Tuy nhiên, theo số liệu công bố trong báo cáo phát triển con người của các nước ASEAN thì chỉ số này của Việt Nam 0,718, chỉ cao hơn 3 nước là Lào, Campuchia và Myanma. Tỷ lệ lao động được đào tạo có trình độ từ sơ cấp trở lên chỉ đạt 13,9%. Lực lượng lao động trẻ của nước ta chưa được chú trọng đúng mức việc học chữ cũng như đào tạo tay nghề, tất yếu khó có cơ hội tìm việc làm thích hợp.

- Xin ông cho biết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có diễn biến như thế nào?

- Kết quả TĐTDS này cho thấy tỷ số giới tính tiếp tục tăng, đạt mức 98,1 nam trên 100 nữ (94,2 năm 1979; 95,2 năm 1989); tỷ số giới tính khi sinh khoảng 110,5/100 (trẻ nam/nữ). Với xu thế đó, tỷ lệ giới tính của Việt Nam sẽ đến mức hơn 100. Điều này có nghĩa việc mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam sẽ xảy ra trầm trọng, kéo theo các hệ lụy như tệ buôn bán phụ nữ, thiếu cô dâu, mất cân bằng lao động theo giới và theo vùng...

- Chúng ta đã bước vào cơ cấu "DS già", điều đó thể hiện rõ ở kết quả TĐTDS ?

- DS Việt Nam có sự chuyển đổi đặc biệt vừa bước vào giai đoạn nhiều người trong tuổi lao động (cơ cấu DS "vàng") nhưng đồng thời cũng già hóa. Kết quả TĐTDS lần này cho thấy, chỉ số già hóa DS tăng từ 24,3% lên 35,5% do tỷ lệ người cao tuổi (NCT) tăng, trong khi tỷ lệ trẻ em giảm mạnh trong thập kỷ qua. Chỉ số này cao hơn mức trung bình của các nước khu vực Đông Nam Á (30%).

DS của một quốc gia bước vào già hóa nếu tỷ trọng người 60 tuổi trở lên chiếm trên 10% hoặc người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 7% tổng số dân. DS Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa với tốc độ ngày càng nhanh. Việt Nam bước vào già hóa DS trong bối cảnh kinh tế còn nghèo, vấn đề an sinh xã hội còn nhiều hạn chế, đây cũng là những áp lực rất lớn đối với công tác khám chữa bệnh, chăm sóc NCT, an sinh xã hội trong giai đoạn tới vì chi phí khám chữa bệnh cho NCT cao gấp 7-8 lần so với trẻ em và cũng cần có chuyên khoa riêng.

- Xin ông cho biết, liệu chúng ta vẫn có nguy cơ "bùng nổ DS"?

- Theo tháp DS, vấn đề đầu tiên mà ngành DS-KHHGĐ cần quan tâm là cơ cấu phụ nữ ở nhóm tuổi hôn nhân và sinh đẻ (20-29 tuổi). Ở nước ta, số phụ nữ trong tuổi kết hôn và sinh đẻ sẽ đạt cực đại vào những năm 2015-2025. Do vậy, nguy cơ tăng mức sinh trở lại vẫn còn rất lớn, công tác DS-KHHGĐ cũng khó khăn hơn, cần có những giải pháp kiềm chế hữu hiệu ngay từ bây giờ.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều việc cần phải làm ngay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.