(HNM) - Sau khi Báo Hànộimới đăng loạt bài
Nhà, đất của ông Nguyễn Văn Long (thôn Lương Phúc, xã Việt Long) đã bị sang tên cho người khác. |
Vụ việc diễn ra từ năm 2007, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục hộ gia đình, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Người dân đã nhiều lần gửi đơn phản ánh đến chính quyền huyện Sóc Sơn nhưng việc giải quyết vẫn "giẫm chân tại chỗ". Chỉ đến khi Báo Hànộimới đăng tải, Ban Nội chính Thành ủy đôn đốc thực hiện, chính quyền địa phương mới có những động thái tích cực hơn nhằm làm sáng tỏ vụ việc.
Nhiều lần khất, rồi lỡ hẹn…
Đúng 3 ngày sau khi Báo Hànộimới đăng loạt bài trên, ngày 1-10-2013, lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã về làm việc với Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn. Nội dung của buổi làm việc là xác minh, làm rõ vụ việc một số hộ dân xã Việt Long, huyện Sóc Sơn bị lừa mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đã được đăng tải trên Báo Hànộimới. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Công an huyện, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Huyện ủy, Phòng Tài nguyên - Môi trường. Trên cơ sở ý kiến của Ban Nội chính Thành ủy và báo cáo của các đơn vị, Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn đã chỉ đạo UBND huyện thành lập tổ công tác để xác minh, làm rõ vụ việc và báo cáo bằng văn bản gửi Thường trực Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Công an thành phố, Thường trực Huyện ủy và Báo Hànộimới trước ngày 10-10-2013.
Để kịp thời cung cấp những thông tin mới nhất đến bạn đọc, sáng 7-10-2013, nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã đến làm việc với UBND huyện Sóc Sơn. Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Việt Hùng, Chánh văn phòng UBND huyện cho biết vụ việc đang được giao cho Công an huyện điều tra, làm rõ. Thời điểm này chưa có nhiều thông tin để trả lời báo chí, chủ trương là sai đến đâu xử lý đến đó. Về việc xử lý cán bộ cấp xã thuộc thẩm quyền của Thường trực Huyện ủy.
Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, chúng tôi được biết việc xác minh, làm rõ những cá nhân liên quan đã được giao cho Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy. Bà Nguyễn Thị Hồng Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cho biết, sau buổi làm việc giữa Thường trực Huyện ủy và Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã yêu cầu Đảng ủy, UBND xã Việt Long báo cáo về vụ việc này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục tìm đến trụ sở Công an huyện Sóc Sơn. Tiếp chúng tôi là Thiếu tá Phạm Quang Hoành, Đội trưởng Đội Tổng hợp - người đã cung cấp thông tin cho phóng viên những buổi làm việc trước. Ông Hoành hẹn phóng viên đến 13h30 phút chiều cùng ngày vì còn phải "xin ý kiến lãnh đạo mới trả lời được". Y hẹn, buổi chiều chúng tôi quay lại thì tiếp tục nhận được lời hẹn "chờ đến 14h30 phút". Đúng giờ phóng viên gọi điện thoại, câu trả lời chúng tôi nhận được từ ông Hoành là: "Hẹn 2-3 ngày nữa sẽ gọi điện cho phóng viên, giờ chưa có gì để thông tin cả".
Sau đó và đến thời điểm này chúng tôi chưa hề nhận được thêm thông tin nào từ Công an huyện Sóc Sơn. Trong khi đó, qua nguồn tin riêng chúng tôi được biết, sau đó một thời gian ngắn, Công an huyện đã có văn bản báo cáo vụ việc đến Công an thành phố. Về phía UBND huyện, đến tận ngày 10-10-2013, nghĩa là đúng thời điểm phải báo cáo vụ việc theo chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn mới ban hành Quyết định số 5442/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Văn Đạo làm Tổ trưởng để xác minh, làm rõ việc một số hộ dân xã Việt Long bị lừa mất GCNQSDĐ. Và đến ngày 29-10-2013, tức là đã quá 19 ngày so với thời điểm chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn mới có văn bản số 1662/UBND-TTr, báo cáo kết quả kiểm tra việc các hộ dân xã Việt Long bị thất lạc GCNQSDĐ theo nội dung Báo Hànộimới phản ánh. Tuy nhiên, báo cáo này chỉ gửi đến UBND thành phố, Ban Nội chính Thành ủy, Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn mà không được gửi đến Báo Hànộimới như chỉ đạo trước đó.
Đề xuất kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan
Sau khi nhận được thông tin về báo cáo mới nhất liên quan đến vụ việc thất lạc sổ đỏ ở Việt Long đã được UBND huyện Sóc Sơn ban hành, chúng tôi đã liên lạc trực tiếp đến Văn phòng UBND huyện và cuối cùng cũng nhận được văn bản số 1662/UBND-TTr do Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Văn Đạo ký. Báo cáo nêu rõ: "Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn xã Việt Long các đối tượng là Nguyễn Thị Hậu - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Việt Long; Nguyễn Thị Hồng Phương ở thôn Tiên Tảo - nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã; Nghiêm Thị Thọ, Nguyễn Thị Việt - nguyên Ủy viên BCH Phụ nữ xã đã trực tiếp tiếp nhận và môi giới cho 60 hộ dân làm thủ tục thế chấp ủy quyền GCNQSDĐ để vay vốn. Nhưng chỉ có một số hộ được vay với số tiền rất ít. Đến nay, mới chỉ có 3 hộ được cơ quan điều tra xác minh thu hồi lại GCNQSDĐ. Trong số 57 trường hợp còn lại chưa thu hồi được, có 5 trường hợp đã làm thủ tục chuyển nhượng cho người khác và hiện đang thế chấp ở các ngân hàng". Báo cáo cũng khẳng định, về nội dung các hộ dân bị thất lạc GCNQSDĐ thông qua hình thức ủy quyền vay vốn như Báo Hànộimới phản ánh là có thật.
Liên quan đến trách nhiệm của một số cán bộ UBND xã Việt Long; báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết: "Theo kết quả xác minh ban đầu thì ông Nguyễn Văn Lãng - Phó Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Tiến Quyết - Trưởng công an xã Việt Long có ký xác nhận vào hợp đồng vay tiền cho bà Nguyễn Thị Hậu với bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Đoài, xã Phù Linh - Giám đốc Công ty TNHH Vân Sơn nhưng chỉ xác nhận khoảng hai lần với số tiền vay trong hợp đồng khoảng 200 triệu đồng. Lý do của việc này, theo ông Lãng và ông Quyết trình bày cũng như bà Hậu khai nhận là trước đây bà Hậu có vay của bà Vân để đáo hạn Ngân hàng Chính sách cho các hộ dân được vay nhưng đến hạn không thanh toán được. Ban đầu chỉ là vài chục triệu, sau tăng lên vài trăm triệu thì bà Vân yêu cầu phải có xác nhận của UBND và Công an xã. Nên bà Hậu có trình bày với ông Lãng, ông Quyết xác nhận giúp. Vì nể và tin bà Hậu nên hai ông đã ký và nội dung xác nhận chỉ xác nhận là bà Hậu có vay của bà Vân số tiền theo hợp đồng. Còn các lần thế chấp tiếp theo là do bà Hậu tự phô tô chữ ký và xác nhận của hai đồng chí trên vào các bản hợp đồng và lợi dụng việc bà Hậu đang công tác tại UBND xã, việc quản lý đóng dấu của cán bộ văn phòng xã không chặt chẽ nên bà Hậu đã tự đóng dấu để đưa các hợp đồng này cho bà Vân"…
Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng và không chỉ xảy ra trên địa bàn xã Việt Long mà đã xuất hiện ở nhiều địa phương khác, nếu không giải quyết triệt để sẽ gây ra mất ổn định tình hình trong nhân dân, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo Công an huyện tiếp tục tập trung điều tra làm rõ vụ việc và các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường ra thông báo dừng giao dịch đối với các GCNQSDĐ của các thửa đất đang bị thất lạc và yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, sử dụng phải nộp lại để thu hồi; sau đó sẽ hướng dẫn công dân làm thủ tục cấp lại để ổn định tình hình trong nhân dân. Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Nội vụ hướng dẫn UBND xã Việt Long tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan và đề xuất hình thức xử lý theo quy định.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.