Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều ưu đãi, vẫn chậm

Thanh Mai| 03/04/2011 06:57

(HNM) - Ngày 2-4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo kế hoạch, việc triển khai quyết định này được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn I từ năm 2003 đến 2007, tiến hành xử lý điểm đối với 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đồng thời, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan, tạo dựng hành lang pháp lý cho công tác xử lý triệt để các cơ sở vi phạm. Trên cơ sở đó, giai đoạn II (2008-2012), sẽ xử lý triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại và các cơ sở khác mới phát sinh.

Cụm công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai có diện tích trên 1.100 ha tập trung hơn 10 nhà máy lớn nhưng vẫn chưa xây dựng được khu xử lý chất thải.
(Trong ảnh: Chất thải do sản xuất phốt pho được đổ thẳng ra môi trường. Ảnh: Hoàng Lâm - TTXVN)


Chậm 3 năm
So với kế hoạch được phê duyệt, giai đoạn I triển khai thực hiện đã bị chậm 3 năm nhưng mục tiêu cơ bản đặt ra trong giai đoạn này đã cơ bản hoàn thành. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho đến nay, đã xây dựng được hành lang pháp lý khá đồng bộ từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đến các chế tài xử lý.
Ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có những chính sách ưu đãi về đất đai đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời địa điểm, nội dung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Trong đó, ngoài các biện pháp xử lý hành chính, các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường; buộc di dời đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường, thậm chí cấm hoạt động. Đối với các cơ sở thực hiện không đúng nội dung, tiến độ xử lý môi trường triệt để theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử lý phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.

Thực tế từ năm 2006 đến 2010, Chính phủ đã hỗ trợ cho 75 dự án xử lý ô nhiễm triệt để với tổng kinh phí 236,118 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho 57 dự án với tổng kinh phí 282,051 tỷ đồng; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã cho 12 dự án thuộc Quyết định 64/2003/QĐ-TTg vay vốn lãi suất ưu đãi với tổng kinh phí là 43 tỷ đồng... Kết quả, đến nay đã có 338/439 cơ sở hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm 77%, còn 101 cơ sở đang tiếp tục triển khai, chiếm 23%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khi việc xử lý ô nhiễm triệt để ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có chuyển biến tích cực, thì tỷ lệ khắc phục của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích còn ở mức thấp, cụ thể: có 64 bệnh viện, cơ sở y tế trong tổng số 84 bệnh viện, cơ sở y tế không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm 76,2%, còn 20 bệnh viện, cơ sở y tế đang triển khai, chiếm 23,8%; 25/52 bãi rác đã hoàn thành việc xử lý môi trường triệt để, chiếm 48,1%, còn 27 bãi rác chưa xử lý môi trường triệt để, chiếm 51,9%; 3/15 làng nghề đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm 20%, còn 12 làng nghề chưa hoàn thành, chiếm 80%…

Hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt tại Nam Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội).

Bắt mạch, bốc thuốc
Nguyên nhân chính gây nên thực trạng đáng buồn trên là một số địa phương thiếu tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn vốn, còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương; mức phạt xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thấp chưa có tính răn đe; đặc biệt, thiếu các quy định về biện pháp xử lý đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không khắc phục đúng tiến độ. Thậm chí, một số địa phương xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường trong kêu gọi đầu tư, nên đã cho phép sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh thêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian qua.


Bên cạnh đó, việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm còn hạn chế. Theo quy định của Nghị định 80/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn việc đánh giá công nghệ môi trường phù hợp với quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiệm vụ này vẫn chưa được triển khai dẫn đến việc nhiều cơ sở vẫn lúng túng trong tìm kiếm công nghệ xử lý.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Quyết định 64/2003/QĐ-TTg được ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Qua 8 năm triển khai đã đạt được một số kết quả khả quan, đã hình thành được khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ, tạo được nhận thức tốt hơn về bảo vệ môi trường. Mặc dù ở giai đoạn I còn 101 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng đã tạo tiền đề quan trọng để triển khai nhân rộng xử lý đối với 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang còn tồn tại.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại trong việc thực hiện giai đoạn I Quyết định 64/2003/QĐ-TTg như: công tác quản lý nhà nước cũng như phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền các địa phương về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ; thanh kiểm tra, giám sát chưa tốt nên đã để xảy ra tình trạng phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy, ngoài các giải pháp đã được đưa ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành thanh kiểm tra, giám sát về môi trường từ trung ương đến địa phương... Đặc biệt, phải đình chỉ ngay đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ưu đãi, vẫn chậm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.