Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều tư liệu quý từ hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 50 - năm 2015

HNM| 20/09/2015 06:15

Trong các ngày từ 17 đến 19-9 tại TP Huế đã diễn ra hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 50 - năm 2015. Hội nghị do Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức.

Hội nghị đã nhận được 356 thông báo (hoặc bài); trong đó, nhiều nhất là lĩnh vực khảo cổ học lịch sử, với 180 thông báo (bài), tiếp đến là khảo cổ học Champa - Óc Eo với 58 thông báo và khảo cổ học dưới nước 30 bài, trình bày về điểm mới trong hoạt động khảo cổ học những năm qua; đồng thời nêu những kiến nghị liên quan đến công tác bảo vệ các di tích.

Một số bài, thông báo đáng chú ý là khai quật Di tích Mậu A - Yên Bái; kết quả khai quật Di chỉ Hang Ốc (Thái Nguyên) qua tư liệu địa tầng, di vật và di cốt người có thể xếp Hang Ốc thuộc văn hóa Bắc Sơn, niên đại từ 6.000 đến 4.000 năm. Ngoài ra những phát hiện mới ở Nghệ An, Quảng Ngãi, Hải Dương với hệ thống sưu tập di tích, di vật mới, phong phú nhất, bổ sung nhiều tư liệu quý cho khảo cổ học các thời kỳ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (Trưởng Tiểu ban Khảo cổ học Champa - Óc Eo và Dưới nước): Trong thời gian tới, đề nghị chính quyền và các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn nữa đến hệ thống các di tích, vì đây là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ di tích muôn đời cho con cháu. Hiện tại, vấn đề phát triển đô thị đang ảnh hưởng rất nhiều đến di tích và di tích cũng đang bị xâm hại với tốc độ kinh khủng. Riêng với lĩnh vực khảo cổ học dưới nước, đây là một bộ môn rất mới mẻ ở Việt Nam, lực lượng còn thiếu và yếu nên trong thời gian tới, rất cần sự dấn thân nhiều hơn nữa của giới khoa học, nhất là những nhà khoa học trẻ tuổi.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trên địa bàn đã đạt nhiều thành tích quan trọng, trả lại diện mạo của một Kinh đô Huế xưa; đồng thời, đưa quần thể di tích Cố đô Huế qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, bước vào giai đoạn ổn định và phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thành tựu chung đó, công tác khảo cổ học có vai trò đặc biệt quan trọng, cung cấp các cơ sở chứng lý cần thiết cho công tác bảo tồn, trùng tu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều tư liệu quý từ hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 50 - năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.