(HNM) - Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm 2017, các trường đại học (ĐH), học viện hiện vẫn đang nóng lòng chờ Bộ GD-ĐT chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh để có thể lên phương án phù hợp. Tuy nhiên, không đợi tới lúc Quy chế được “chốt”, nhiều trường đã đưa ra các đề án riêng hoặc có những thay đổi lớn, thậm chí có thể
Tư vấn tuyển sinh tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ảnh: Thái Hiền |
Xét tuyển dựa theo dữ liệu của Bộ GD-ĐT
Gây bất ngờ nhất trong thời gian qua là tuyên bố của ĐH Quốc gia Hà Nội về việc trường sẽ không tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2017 sau 2 năm thực hiện và thu nhận được những kết quả khả quan. Theo Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, quyết định nói trên được đưa ra bởi những đổi mới trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lý của đổi mới tuyển sinh ở bài thi đánh giá năng lực mà nhà trường đã triển khai trong thời gian vừa qua. Trong bối cảnh đó, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận thấy việc tập trung thêm nguồn lực (lượng câu hỏi), nhân lực và các điều kiện khác để triển khai tốt kỳ thi THPT quốc gia của Bộ cần được ưu tiên hơn, tránh cho thí sinh phải trải qua hai kỳ thi có nhiều điểm giống nhau. Lựa chọn của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt trường đã công bố sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, sẽ phải hủy bỏ phương thức xét tuyển này.
Việc ĐH Quốc gia Hà Nội không tổ chức riêng một kỳ thi sẽ góp phần cho thành công của phương án tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT đã dự kiến. Theo đó, năm 2017, tất cả các trường ĐH trên cả nước sẽ xét tuyển chung trên cơ sở dữ liệu do Bộ quản lý. Cả nước sẽ thành một nhóm thi lớn. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cách làm này sẽ hạn chế tình trạng thí sinh ảo, khắc phục tình trạng có thí sinh không đỗ nguyện vọng 1 nhưng sau đó, khi các trường hạ điểm chuẩn để xét tuyển bổ sung thì mặc dù đủ điểm trúng tuyển nhưng thí sinh lại không còn cơ hội vào học trường mà mình yêu thích.
Với phương án xét tuyển chung trong cả nước, tất cả các trường ĐH đều sẽ tham gia, kể cả các trường khối quân đội, công an. Do đó, việc tổ chức xét tuyển theo nhóm như nhóm GX năm ngoái, do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, cũng sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, ý định nói trên đã khiến nhiều trường băn khoăn, thậm chí phản đối, cho rằng tuyển sinh là vấn đề nhạy cảm, rất cần kinh nghiệm cũng như sự cân đong đo đếm của con người, không thể phó mặc cho máy móc. Chưa kể, việc buộc các trường tham gia phần mềm chung có thể gây băn khoăn: Liệu Bộ GD-ĐT có can thiệp quá sâu và không bảo đảm quyền tự chủ của các trường. Trong khi nhóm GX sau kỳ tuyển sinh năm 2016 đã được ghi nhận là đạt được những thành công nhất định.
Vẫn chờ Quy chế tuyển sinh
Dự thảo Quy chế tuyển sinh được đưa ra lấy ý kiến, sau đó đã phần nào tháo gỡ sự băn khoăn của các nhóm trường khi cho phép các trường có thể tự nguyện phối hợp với nhau thành nhóm để thực hiện xét tuyển. Đến thời điểm hiện nay, mặc dù vẫn trong tâm thế chờ Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, song, nhiều trường ĐH đã có điều chỉnh, bổ sung phương án tuyển sinh cho năm 2017 và các năm tới.
Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Trương Ngọc Nam cho biết, nhiều khả năng trường vẫn xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, trường xét thêm một vài tiêu chí phụ, như xét điểm học bạ 3 năm của tổ hợp các môn thi. Riêng với chuyên ngành báo chí, trường vẫn tiếp tục tổ chức thi thêm bài thi năng khiếu để sàng lọc thí sinh. Một điểm đáng chú ý nữa là trong năm 2017, trường có thể tuyển sinh thêm khối A cho chuyên ngành báo ảnh và quay phim.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi cho biết, trường tiếp tục tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT. Là một thành viên của nhóm GX, Trường ĐH Thủy lợi vẫn đang chờ Quy chế tuyển sinh được ban hành chính thức để quyết định có tiếp tục tham gia nhóm GX hay tuyển sinh theo phần mềm chung của Bộ.
Ở phía Nam, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh tiếp tục gây chú ý đặc biệt với đề án tuyển sinh luôn có nét riêng từ vài năm nay. Theo đó, bước 1, trường xét điểm trung bình của 3 môn thuộc tổ hợp các môn xét tuyển theo các khối thi truyền thống: Học bạ ở 6 học kỳ THPT (chiếm tỷ trọng 10%) và điểm thi THPT quốc gia năm 2017 (chiếm tỷ trọng 50%). Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển mới được trường thông báo tham gia làm bài kiểm tra năng lực ở bước tiếp theo. Ở bước 2, những thí sinh đã đạt yêu cầu xét tuyển tại bước 1 được tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung ở 4 nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp; kiến thức về pháp luật và tư duy logic, khả năng lập luận của thí sinh. Bài kiểm tra này chiếm tỷ trọng 40% số điểm trúng tuyển vào trường. Riêng bài kiểm tra năng lực được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm trên giấy.
Còn tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì ngoài các đối tượng được tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường sẽ sử dụng tối đa 20% chỉ tiêu từng ngành để ưu tiên xét tuyển thẳng đối với các thí sinh ở các trường chuyên, trường nằm trong tốp 200 trên cả nước theo tiêu chí điểm thi THPT quốc gia.
Về phần mình, Bộ GD-ĐT vẫn đang lưu ý các trường trong thời gian 10 ngày, kể từ khi Quy chế tuyển sinh chính quy được ban hành, gửi đề án tuyển sinh của trường và thông tin phục vụ công tác tuyển sinh năm 2017 về Bộ GD-ĐT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.