(HNMO) - Trong vòng 1 tuần đã có hai trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem. Trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem gần đây nhất là bé Nguyễn Ngọc Tường V. (ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) vào sáng ngày 27-10 do sốc nhiễm trùng nặng.
Trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem gần đây nhất là bé Nguyễn Ngọc Tường V. (ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) vào sáng ngày 27-10 do sốc nhiễm trùng nặng. Nguyên nhân ca tử vong này hiện đang được điều tra làm rõ.
Trước đó, ngày 20-10, một trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem và uống vắc xin OPV lần 2 ở trẻ nam 3 tháng tuổi (tại xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An). Trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem và uống vắc xin OPV lần 2 lúc 9 giờ ngày 20-10 tại Trạm Y tế xã Quang Phong. Khoảng 4 phút sau tiêm, trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở, được xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ của Bộ Y tế nhưng cơ thể không đáp ứng. Nguyên nhân theo Bộ Y tế là do sốc phản vệ.
Trước sự việc liên tiếp xảy ra tử vong ở trẻ sau tiêm vắcxin “5 trong 1” Quinvaxem khiến các bậc cha mẹ hoang mang, ngày 30-10, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính từ đầu năm 2015 đến nay đã có hơn 3,5 triệu mũi tiêm Quivaxem, ghi nhận 16 trường hợp phản ứng nặng (như: tím tái, khó thở, sốt ca) sau tiêm Quinvaxem, trong đó có 8 ca tử vong. Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp và 1 ca sốc phản vệ. Còn trường hợp cháu bé ở Hải Dương vừa tử vong sau tiêm Quinvaxem thì đang được xem xét nguyên nhân. Được biết, vắc xin được sử dụng tại Nghệ An và Hải Dương là cùng lô số 1453322.03. Trước đó, ngày 3-9, tại điểm tiêm chủng xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, Đắk Nông, 1 bé trai 3 tháng tuổi cũng tử vong sau khi tiêm Quinvaxem.
Thống kê trong năm 2014 về các tai biến sau tiêm Quinvaxem cũng đã ghi nhận gần 10 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin này. Trong đó, một số trường hợp được xác định có phản ứng quá mẫn và sốc phản vệ với vắc xin. Các trường hợp khác là do bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên hoặc tử vong không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, Quinvaxem được sử dụng tại 94 nước với hơn 450 triệu liều. Từ tháng 6-2010 đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 25 triệu mũi Quinvaxem. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà… đã giảm hẳn.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, với vắc xin Quinvaxem đã có những đợt phải ngừng, sau đó kiểm định lại không tìm thấy bất thường ở vắc xin. Chúng ta phải xác định rằng, tử vong sau tiêm cũng có mấy nguyên nhân. Thứ nhất là do trùng lặp ngẫu nhiên vì một ngày Việt Nam có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong do các nguyên nhân. Thứ 2 có thể do vắc xin gây nên. Thứ 3 do thực hành tiêm chủng và cuối cùng là chính cơ địa của cháu bé. “Với mục đích bảo vệ cho cả cộng đồng nếu tỷ lệ tử vong nằm trong khuyến cáo cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì vẫn phải tiêm chủng vì nếu không dịch bệnh bùng phát”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ thành lập một Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành của y tế đánh giá lại các kết luận của hội đồng tuyến tỉnh, trong đó sẽ ưu tiêm kiểm định các lô vắc xin có liên quan đến các ca tai biến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.