(HNMO) - Trong tháng gần Tết Nguyên đán, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Bỏng quốc gia liên tiếp tiếp nhận bệnh nhân bỏng do thuốc pháo, trong đó có nhiều vụ tai nạn thương tâm để lại các di chứng bỏng nặng nề.
Theo thông tin được bác sĩ Ngô Tuấn Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Bỏng quốc gia chia sẻ trên website của bệnh viện, ngày 10-1, một trường hợp là Nguyễn Văn P (17 tuổi, Nghệ An) trộn bột lưu huỳnh và KClO3, sau đó cho vào máy xay sinh tố để nghiền, bị thuốc nổ bùng lên gây bỏng. P được đưa vào Bệnh viện Bỏng quốc gia cùng ngày với chẩn đoán bỏng lửa thuốc pháo 12% độ II, III ở mặt, hai tay.
Trước đó, ngày 4-1, một trường hợp tương tự khác là Trịnh Minh H (17 tuổi, Thanh Hóa). Sau khi trộn bột lưu huỳnh và KClO3, H đã dùng muôi để nghiền bột hóa chất, bị chất nổ bùng lên gây bỏng. H được nhập viện với chẩn đoán bỏng lửa thuốc pháo 50% (10%) độ II, III, IV ở mặt, cổ, hai tay, hai chân.
Một ca chấn thương khác được cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng quốc gia với chẩn đoán bỏng lửa thuốc pháo 42% độ II, III mặt, cổ, ngực và hai tay là Phan Anh T (17 tuổi, Hà Tĩnh). Sau khi trộn lưu huỳnh và KClO3 theo hướng dẫn trên mạng, T dùng lửa để thử sản phẩm sau khi chế tạo và cũng bị bỏng.
Ba trường hợp trên đều xảy ra ở cùng lứa tuổi và đều tham khảo hướng dẫn tự chế thuốc nổ trên mạng internet. Hoàn cảnh bị bỏng gần tương tự như nhau, tổn thương do bỏng thuốc pháo đều ở mặt, cổ, hai tay. Tổn thương ở các vùng này có thể gây phù nề tiến triển nhanh, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Bỏng vùng mặt, cổ khi khỏi có thể để lại di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau bỏng. Bỏng ở hai tay và bàn tay có thể để lại di chứng sẹo co kéo, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và lao động sản xuất.
Mới đây nhất, ngày 17-1, bác sĩ Hoàng Minh Thắng - Khoa Phẫu thuật chấn thương chi trên và y học thể thao (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, bệnh viện này vừa tiến hành phẫu thuật cắt cụt ngón 3,4,5 tới khối tụ cốt bàn tay, đặt lại khớp bàn thang ngón 1, kết hợp xương bàn ngón 2 của một nam thiếu niên 15 tuổi, ở Nam Định, bị dập nát bàn tay do tự mua thuốc về tự chế thuốc nổ và bị phát nổ.
Qua những trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, xã hội, gia đình, nhà trường và bản thân các học sinh ở lứa tuổi học đường cần nhận thức đúng mối nguy hiểm của việc tự chế thuốc gây nổ gây ra, từ đó có hành động quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn tình trạng tự chế tạo các loại thuốc gây nổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.