Hiện có rất nhiều loại thực phẩm được bổ sung vitamin và khoáng chất, và việc nhiều bậc cha mẹ vừa cho con ăn những thực phẩm này lại vừa bắt con uống các loại multivitamin có thể khiến trẻ phải “nạp” vào người quá nhiều các vitamin và muối khoáng.
Nghiên cứu của Nhóm hành động vì môi trường (EWG) của Mỹ đã cho thấy kết quả phù hợp với phát hiện của các nghiên cứu trước đây về việc sử dụng sai vitamin và muối khoáng cho trẻ em trên khắp nước Mỹ. Một nghiên cứu của Viện Y học Mỹ hồi tháng Giêng đã thấy rằng nhiều trẻ đang đưa vào người lượng vitamin và muối khoáng gấp 300 đến 900% khẩu phần khuyến nghị hằng ngày (RDA). Trong số này có cả những vitamin mà EWG cũng xác định là trẻ đang nạp vào người quá nhiều - vitamin A, kẽm và niacin (vitamin PP).
EWG cho rằng “có hàng triệu trẻ đang ăn và uống một lượng vitamin không tốt cho sức khỏe”, nằm trong nhiều loại ngũ cốc được bổ sung vitamin vốn dành cho người lớn. Ảnh hưởng của việc sử dụng quá nhiều vitamin còn nghiêm trọng hơn vì trẻ thường ăn nhiều hơn một phần ăn và thường xuyên ăn các loại bánh snack bổ sung dinh dưỡng. Hơn nữa, các nhà sản xuất ngũ cốc thường lợi dụng các quy định về ghi nhãn dinh dưỡng để đánh lừa người tiêu dùng, những người thường bị lóa mắt bởi những “chất bổ” mà họ tin là sẽ không thể có được qua rau và trái cây.
EWG đã xem xét thành phần dinh dưỡng của 1.556 sản phẩm ngũ cốc ăn dáng và 1.025 sản phẩm bánh snack và bánh năng lượng (energy bar). Họ thấy rằng có 114 sản phẩm ngũ cốc - gồm cả General Mills Total Raisin Bran và Kellogg's Cocoa Krispies - có vấn đề về hàm lượng dưỡng chất bổ sung.
Tất cả những sản phẩm ngũ cốc này đều chứa một trong những vitamin kể trên với hàm lượng từ 30% giá trị hằng ngày (DV) cho người lớn trở lên. Một số sản phẩm còn chứa 2 vitamin ở mức này. Đồng thời, có 23 sản phẩm chứa hàm lượng cao hơn mức an toàn cho trẻ dưới 8 tuổi. Đối với bánh snack và bánh năng lượng, 27% chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng ở mức trên 50% giá trị hằng ngày dành cho người lớn.
Khi tính số trẻ đang dùng các chế phẩm bổ sung cũng như những trẻ không dùng, ước tính có “10 triệu trẻ em Mỹ đang nhận quá nhiều vitamin A, hơn 13 triệu trẻ nhận quá nhiều kẽm và gần 5 triệu trẻ nhận quá nhiều niacin”. Việc nhận vào người quá nhiều những chất này có thể gây nguy hiểm, thừa vitamin gây tổn thương gan và những bất thường về xương, còn ăn quá nhiều kém sẽ ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch.
EWG cho rằng Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) phải chịu trách nhiệm phần nào cho vấn đề này. Đã hơn 40 năm kể từ kỳ các thành phần dinh dưỡng được cập nhật, và nhiều nhà sản xuất thực phẩm chỉ sử dụng thành phần dinh dưỡng dành cho người lớn mà không đưa vào Giá trị hàng ngày cho trẻ em, trẻ dưới 1 tuổi và phụ nữ có thai.
“Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ thừa các dưỡng chất bổ sung, cần cập nhật ngay giá trị khẩu phần ăn hàng ngày dùng cho việc ghi nhãn dinh dưỡng để phản ánh những kết quả nghiên cứu mới nhất,” tổ chức này kiến nghị. “Nhãn thành phần dinh dưỡng cũng cần liệt kê lượng vi chất dinh dưỡng bổ sung thực tế, thay vì phần trăm giá trị hằng ngày, vì chế độ ăn cần sự khác nhau đáng kể theo tuổi và giới. Một bộ giá trị không thể giải quyết được sự đa dạng này”.
FDA cho biết bảng Giá trị hàng ngày dành cho trẻ nhũ nhi từ 7-12 tháng và trẻ em từ 1-3 tuổi đang được xây dựng. Tuy nhiên với trẻ lớn hơn sẽ không có những bảng mới “vì nhóm đối tượng này tiêu thụ những thực phẩm như mọi người bình thường” và FDA “không nghĩ đến những thực phẩm dành riêng cho nhóm tuổi này”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.