(HNM) - Vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020, các địa phương “đầu tàu kinh tế” của khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã năng động vươn lên, đạt mức tăng trưởng kinh tế khá cao. Sự nỗ lực này đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của cả nước.
Thành công từ trong gian khó
Năm 2020, nhiều tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã năng động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và gặt hái được những kết quả tích cực. Theo UBND tỉnh Bình Dương, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của tỉnh năm 2020 ước tăng 6,91%. Một trong những điểm sáng của tỉnh là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ước đạt 1,845 tỷ USD (vượt 31,8% kế hoạch năm). Có được thành tích này là do các ban, ngành của tỉnh đã chủ động khắc phục những bất lợi do dịch Covid-19 bằng cách tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư qua hình thức trực tuyến với các đối tác kinh tế lớn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, với phương châm "chăm sóc tốt một nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới", lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành định kỳ gặp gỡ, đối thoại với các nhóm doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến đề xuất, tháo gỡ khó khăn. Nhận định về việc này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bình Dương Kim Won Sik nói: “Đây là yếu tố quan trọng để những nhà đầu tư FDI đến và gắn bó lâu dài với Bình Dương”.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh đã đạt kết quả ấn tượng. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết, dịch Covid-19 khiến nguồn cung nguyên liệu thế giới bị đứt gãy. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh và sự năng động của các doanh nghiệp, mọi nguồn cung nguyên liệu trong nước đã được khai thác triệt để. Kết quả là tỉnh đã có tới 5 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như ngành giày dép đạt gần 3,66 tỷ USD; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khoảng 1,65 tỷ USD...
Từ phía doanh nghiệp, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa) Lê Xuân Tân chia sẻ: “Do bảo đảm được nguồn cung nguyên liệu nên các đối tác nước ngoài cũng tin tưởng giao những đơn hàng lớn cho các doanh nghiệp gỗ tại Đồng Nai, giúp doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu”.
Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại ghi nhận điểm sáng ở công tác thu ngân sách khi tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 ước khoảng 76.400 tỷ đồng, đạt 100,47% dự toán. Đây là kết quả đáng mừng, nhất là trong bối cảnh dầu thô (nguồn thu chính của tỉnh trong nhiều năm qua) giảm giá liên tục. Để đạt được kết quả này, các cấp, ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, bảo đảm tiến độ thu ngân sách đề ra theo từng quý, từng tháng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Minh Cường, năm 2020, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước của địa phương tăng 18,5%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,8%... so với năm 2019. Cùng với đó, ngành Hải quan tỉnh cũng vượt qua nhiều khó khăn, ước thu 17.000 tỷ đồng cho ngân sách trong năm 2020.
Trở thành vùng dẫn dắt mới
Trong năm 2021, tỉnh Bình Dương xác định 33 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu. Theo đó, tỉnh phấn đấu GRDP tăng 8,5-8,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2020; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ USD... Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết, tỉnh sẽ chú trọng phát huy hiệu quả các nguồn vốn trong nước, đồng thời thu hút có chọn lọc dòng chuyển dịch vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Còn tại Đồng Nai, năm 2021, tỉnh tập trung tạo ra các đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết, tỉnh sẽ phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Mục tiêu năm 2021 của Đồng Nai là GRDP tăng 8,5%.
Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến mức tăng trưởng kinh tế năm 2021 khoảng 7%. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ thông tin, tỉnh sẽ thực hiện 3 khâu đột phá gồm: Tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; nỗ lực thực hiện đề án nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, đô thị thông minh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định: Thời gian tới, với sự đầu tư trọng điểm của Nhà nước và sự năng động của nhiều địa phương trong vùng, Đông Nam Bộ sẽ trở thành đầu tàu hiện đại, vùng dẫn dắt mới để cùng cả nước gặt hái thêm nhiều thành công trong tăng trưởng kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.