(HNMO) - Từ đầu năm 2021 đến nay, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tăng mạnh tại nhiều thị trường lớn, có giá trị cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã lên tới 6,6 tỷ USD, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm trước và trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam…
Những tín hiệu tích cực
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã lên tới 6,6 tỷ USD, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 3,12 tỷ USD, tăng 95,4% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 526,69 triệu USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 472,56 triệu USD, tăng 8%; Hàn Quốc đạt 293,25 triệu USD, tăng 9,7%... Các thị trường này chiếm tới 84,9% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Thị trường châu Âu cũng có nhiều tín hiệu lạc quan, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong tháng 4-2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường này đã lên tới 63,79 triệu USD, tăng 114,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập nhận định: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giao thương trên thị trường, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã có đơn hàng xuất khẩu cho đến cuối năm 2021. Đây là tín hiệu rất khả quan cho mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ...
Về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) Nguyễn Thanh Được thông tin: “Từ đầu năm, công ty đã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế, sản phẩm nội thất cao cấp đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Anh... Hiện các nhà máy sản xuất sản phẩm nội thất của doanh nghiệp đang hoạt động với 100% công suất, sản xuất tới đâu, xuất khẩu đến đó…”.
Còn Tổng Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Thuận An (tỉnh Bình Dương) - Lê Thị Xuyến cho biết, hiện số lượng đơn hàng đã vượt gần 30% công suất của các nhà máy do doanh nghiệp quản lý.
Năm 2021, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD và với những tín hiệu tích cực như đã nêu trên, điều này không quá xa tầm với.
Hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD trong năm 2021 từ gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần thiết lập kế hoạch sản xuất, xuất khẩu theo đúng quy định, tiêu chuẩn quốc tế. Hiện, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã đứng thứ hai châu Á, kim ngạch tăng trưởng rất nhanh 16 - 17% mỗi năm. Tuy nhiên, phát triển càng nhanh thì rủi ro sẽ càng lớn, trong đó lớn nhất là rủi ro về thị trường bởi các quy định về truy xuất nguồn gốc hoặc chất lượng sản phẩm tại nhiều quốc gia rất nghiêm ngặt.
Yêu cầu về chất lượng là xu thế chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới để tạo thị trường bền vững. Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ cần bảo đảm tốt nguồn nguyên liệu. Với gỗ nhập khẩu, phải kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp. Cùng với đó là nâng cao chứng chỉ rừng bền vững trong nước…
Mặt khác, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng. Thiết lập các chương trình thị trường số, chủ động kết nối với thế giới và kết nối ngay với các doanh nghiệp ở trong nước. Đặc biệt là việc theo dõi chuỗi chu trình sản xuất và ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành để có những sản phẩm đạt chất lượng cao.
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Dầu Tiếng Nguyễn Thanh Được thông tin, công ty đang lập dự án xây dựng thêm một nhà máy sản xuất các sản phẩm gỗ tinh chế với diện tích 10ha tại xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) và sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nguồn nguyên liệu, sản xuất và chế biến sản phẩm.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho biết: Hiệp hội sẽ chủ động cung cấp thông tin về thị trường, các tiêu chuẩn kỹ thuật tại các thị trường có yêu cầu kỹ thuật cao; đồng thời, phối hợp các bộ, ngành liên quan chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về quỹ đất, nguồn vốn cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Với sự chủ động của các doanh nghiệp, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chắc chắn ngành hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD trong năm nay và hướng tới con số 20 tỷ USD trong năm 2025 như Thủ tướng Chính phủ đề ra, xứng đáng với vai trò là ngành hàng mũi nhọn của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.