Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều thay đổi tích cực từ phía học sinh

Thống Nhất| 07/05/2016 08:34

(HNM) - Ngày 22-4-2016, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp Ban quản lý dự án

Buổi họp của Ban Quản lý.


Báo cáo sơ kết kết quả hoạt động quý I-2016 của Ban quản lý dự án cho thấy, trong thời gian từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016, tại các nhà trường đã diễn ra nhiều hoạt động với nội dung phong phú, đa dạng, thu hút không chỉ học sinh (HS) mà cả giáo viên, phụ huynh HS cùng tham gia. Sáu hoạt động nổi bật nhất trong quý này bao gồm: Triển khai các tiết dạy trên lớp về phòng, tránh bạo lực giới; tổ chức truyền thông với phụ huynh HS với chủ đề "Giúp con an toàn khi sử dụng internet"; các hoạt động của Câu lạc bộ Lãnh đạo trẻ; tham vấn trường học; giao ban chuyên môn để chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên chủ nhiệm các lớp trong quá trình chuẩn bị và triển khai hoạt động dạy học tại lớp; tổ chức giao ban chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà trường về việc triển khai các hoạt động của dự án.

Theo thống kê, 20 trường đã tổ chức 2.563 tiết dạy với mục tiêu giúp HS hiểu và có các kỹ năng phòng tránh đối với bạo lực trên cơ sở giới. Có hơn 31 nghìn HS đã tham gia các tiết dạy này tại trường. Ngoài ra, HS còn được hưởng thụ các sáng kiến truyền thông của nhóm cán bộ lãnh đạo trẻ về nội dung phòng ngừa bạo lực giới trong học đường. Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá: Đã có sự thay đổi tốt trong nhận thức, thái độ và hành vi của HS. Số ca bạo lực tại các trường học có triển khai dự án giảm hẳn. HS được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường nên đã có ý thức chủ động hơn trong việc tự bảo vệ mình và sẵn sàng bảo vệ bạn bè xung quanh khi gặp nguy cơ bị bạo lực.

Cô giáo Nguyễn Thị Chính, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phương Trung (huyện Thanh Oai) nhận định: Các hình thức truyền thông đã có sức lan tỏa lớn, tác động tích cực đến nhận thức của HS. Thực tế cho thấy các em HS đã có thêm nhiều kỹ năng tốt như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng thuyết trình... Đặc biệt, các em được trải nghiệm các hoạt động vui chơi, kinh doanh, sáng tạo... Điều này giúp HS dần chủ động, tự tin hơn trong giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh.

Điều đáng mừng hơn nữa là các em đã có sự tin tưởng và chủ động chia sẻ những vấn đề của bản thân với người lớn nhiều hơn, trái ngược với sự ngại ngần, e dè ban đầu. Sự ra đời của mô hình phòng tham vấn học đường là giải pháp kịp thời, góp phần hỗ trợ tích cực cho các em trong việc giải tỏa, xử lý những tình huống có vấn đề. Việc duy trì hoạt động của phòng tham vấn cũng cho thấy các vấn đề của HS đang ngày càng được người lớn quan tâm nhiều hơn, thể hiện qua sự lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ của thầy, cô giáo, phụ huynh đối với các em HS.

"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thay đổi tích cực từ phía học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.