(HNM) - Thực hiện Chỉ thị 39-CT/TƯ ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến", 5 năm qua, tổ chức Công đoàn (CĐ) Thủ đô đã phát động nhiều phong trào thi đua trong CNVCLĐ, mang lại hiệu quả thiết thực, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng trong học tập, nghiên cứu, sáng tạo, lao động sản xuất...
Động lực từ phong trào thi đua
Một gương tiêu biểu trong phong trào thi đua đạt danh hiệu "Sáng kiến sáng tạo" được CĐ Thủ đô tôn vinh là Thạc sĩ Nguyễn Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Điện cơ Thống Nhất Hà Nội. Phong trào "Sáng kiến sáng tạo" được phát động, cũng là thời điểm anh bắt tay nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến "Cải tiến toàn bộ hệ thống khuôn, cối cho hàng nội thất xuất khẩu". Sáng kiến được áp dụng ngay vào sản xuất và làm lợi cho công ty trên 4,6 tỷ đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho gần 300 lao động.
Lắp ráp quạt máy tại Công ty Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Trung Kiên |
Rất nhiều công nhân lao động trực tiếp tích cực tham gia các phong trào thi đua, điển hình như chị Phan Thị Kim Ngân, công nhân phân xưởng 1, Công ty cổ phần Dệt 10-10. Hưởng ứng phong trào "Phấn đấu đạt danh hiệu công nhân giỏi" của LĐLĐ TP, chị Ngân tích cực học hỏi, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, loại bỏ nguyên liệu thừa, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng và được vinh danh công nhân giỏi Thủ đô. Anh Đỗ Hữu Chung, kỹ thuật viên Công ty Toyota Giải Phóng - một công nhân giỏi Thủ đô với sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giảm tiêu hao hàng trăm triệu đồng tiền vật tư cho công ty, chia sẻ: Thông thường người công nhân chỉ biết làm những phần việc được giao, nhưng từ khi có phong trào "Phấn đấu đạt danh hiệu công nhân giỏi", anh và nhiều đồng nghiệp đã tích cực mày mò, nghiên cứu sáng tạo đem lại nhiều kết quả.
Cùng với phát động, triển khai các phong trào thi đua, CĐ còn là cầu nối gắn kết những cá nhân tiêu biểu với tập thể nơi họ công tác bằng những việc làm cụ thể như tuyên truyền, vận động mọi người nâng cao nhận thức, ý thức phấn đấu, tích cực hưởng ứng thi đua, hướng dẫn cơ sở tổ chức biểu dương, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến, xây dựng tiêu chí cụ thể cho từng phong trào... Cách làm này đã làm xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực, ngành, nghề, phong trào thi đua thực sự trở thành động lực của phát triển sản xuất.
Để tiếp tục lan tỏa
Kết quả tổng kết của LĐLĐ TP 5 năm qua về triển khai thực hiện các phong trào thi đua trong CNVCLĐ Thủ đô cho thấy, đội ngũ CNVCLĐ đã phát huy được 50.354 sáng kiến sáng tạo áp dụng vào sản xuất, công tác, làm lợi hơn 100 tỷ đồng. 321 công trình sản phẩm được hoàn thành với giá trị kinh tế, xã hội cao. Hàng vạn tấm gương cá nhân, tập thể điển hình trong các phong trào thi đua được vinh danh, trong đó 172 nghìn lượt nữ CNVCLĐ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", hơn 69 nghìn gia đình CNVCLĐ tiêu biểu.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của thi đua yêu nước trong CNVCLĐ đối với sự nghiệp CNH, HĐH, các cấp CĐ TP chú trọng đưa các phong trào đến với từng đối tượng cụ thể. Trong khi khối doanh nghiệp được "tiếp nhận" phong trào "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", thì khối hành chính sự nghiệp lại được "làm quen" và gắn bó với phong trào "Phấn đấu trở thành người cán bộ công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu". Bên cạnh đó, mỗi ngành, nghề lại có phong trào phù hợp với đặc thù riêng như "Thi đua hai tốt" trong giáo dục; "Thi đua thực hiện 12 điều y đức" trong ngành y tế; phong trào "Xanh - sạch - đẹp", bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất... Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết, thời gian tới Liên đoàn tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua theo ba tiêu chí: Thi đua lao động giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và thi đua thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí, chống các tệ nạn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.