Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều sự hỗ trợ cho giáo viên, học sinh mầm non dân lập, tư thục

Hiền Phương| 26/11/2020 13:55

(HNMO) - Ngày 26-11, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức hỗ trợ thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận hội nghị.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị. 

Theo Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 7 cơ sở giáo dục mầm non công lập tại các xã thuộc vùng khó khăn; 5.312 trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục có cha, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp; 480 giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp là đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ. 

Hiện nay, việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội đang áp dụng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2020.

Tuy nhiên, thực tế mức thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội cao gấp 1,5 lần so với cả nước nên UBND thành phố đề xuất mức hỗ trợ một số chính sách bằng 1,5 lần mức tối thiểu quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP. Ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ trong 1 năm học là hơn 17,7 tỷ đồng. 

13 ý kiến trao đổi tại hội nghị đều cho rằng, việc thành phố ban hành Nghị quyết trên là cần thiết, kịp thời, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục mầm non, sự nghiệp giáo dục đào tạo của Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Việc ban hành Nghị quyết không những góp phần giảm bớt một phần khó khăn đối với các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh thuộc loại hình công lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, địa bàn đặc biệt khó khăn mà còn thực hiện đúng quan điểm của Đảng đối với việc chăm lo đời sống giai cấp công nhân, lao động, đồng bào dân tộc, địa bàn khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng cần căn cứ Luật Thủ đô để có thêm những nội dung phù hợp với đặc thù thực tiễn của thành phố; cần có cơ chế đặc thù để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Một số ý kiến còn băn khoăn về nội dung và mức hỗ trợ cho các "cô nuôi" trong các trường học, lớp mầm non ở các xã còn khó khăn là quá thấp, phải có cơ chế tăng mức hỗ trợ cho hợp lý. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên cần tuyên truyền trong nhân dân để thực hiện Nghị quyết tốt nhất, giám sát việc thực hiện Nghị quyết đúng đối tượng, đúng quy định...

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương trân trọng ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các đại biểu, đồng thời, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục tham mưu những chính sách toàn diện hơn nữa về lĩnh vực giáo dục đào tạo của Thủ đô. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổng hợp những ý kiến đóng góp đầy đủ chuyển đến cơ quan soạn thảo chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều sự hỗ trợ cho giáo viên, học sinh mầm non dân lập, tư thục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.