(HNM) - Các chuyên gia giao thông cho rằng, những bất cập về hạ tầng, thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ người đi xe đạp khiến cho loại phương tiện thân thiện với môi trường mà nhiều nước đang khuyến khích sử dụng này dường như không có
Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông cho rằng, những bất cập về hạ tầng, thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ người đi xe đạp khiến cho loại phương tiện thân thiện với môi trường mà nhiều nước đang khuyến khích sử dụng này dường như không có "chỗ đứng" để phát triển.
Giải pháp phù hợp
Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 148/TTg-KTN về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và 5 thành phố trực thuộc trung ương (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là phương tiện phù hợp, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho cộng đồng như môi trường, sức khỏe, an ninh năng lượng, cải thiện chất lượng cuộc sống, kết nối với các phương thức vận tải công cộng khác tạo bước đột phá về giải pháp giao thông. Trên thế giới đã có nhiều nước triển khai mô hình xe đạp công cộng như Pháp, Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... bởi sự tiết kiệm, chi phí thấp, không gây ô nhiễm môi trường, chiếm dụng ít không gian giao thông...
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, để giải bài toán về hạn chế giao thông cá nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, bên cạnh việc phát triển loại hình vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm, xe đạp chính là giải pháp kết nối hữu hiệu giữa các điểm trung chuyển, các bến xe, nhà ga trong thành phố...
Không dễ thực hiện
Nhiều người dân bày tỏ ủng hộ chủ trương, nhưng tỏ ra lo ngại về tính an toàn khi sử dụng xe đạp trong dòng phương tiện hỗn hợp.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc sử dụng xe đạp tham gia giao thông tại Việt Nam chưa mang tính chất cộng đồng do các quy định pháp luật và chế tài chưa đủ mạnh để khuyến khích và bảo hộ cho người dân sử dụng xe đạp; chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp; chưa có sự kết nối xe đạp với việc sử dụng các phương tiện công cộng khác. Thậm chí, không ít người còn coi xe đạp là hiện thân của sự lạc hậu, nghèo đói.
Nhằm đưa xe đạp trở thành phương tiện giao thông công cộng đòi hỏi phải gỡ bỏ nhiều rào cản để nó thực sự có “chỗ đứng” và phát triển. Ông Khuất Việt Hùng kiến nghị, trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, các thành phố nên tính toán, đưa phương tiện xe đạp công cộng trở thành giải pháp kết nối giao thông, giảm phương tiện cơ giới cá nhân; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn, trong đó cần quy hoạch vị trí điểm tập kết hợp lý cho phương tiện xe đạp tại các khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người sử dụng và sự bổ trợ, kết nối trong mạng lưới vận tải công cộng.
Cùng với đó, chính quyền phải phát triển hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho người đi xe đạp bao gồm hệ thống làn đường cho xe đạp, điểm dừng, trông giữ, bảo quản. Những giải pháp này không yêu cầu vốn đầu tư lớn, tuy nhiên chỉ thực hiện được khi có những đầu vào không gian và quỹ đất đô thị phù hợp. Với Hà Nội, đề nghị trong không gian phố đi bộ nên cho phép xe đạp đi vào, xem xét những đoạn tuyến phố mật độ giao thông cao nhưng tốc độ không quá 30km/giờ thì cho xe đạp và các xe khác tham gia lưu thông bình thường, không cần phải phân làn giao thông…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.