Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều quy định không còn phù hợp

Quỳnh Dung| 15/06/2011 06:48

(HNM) - Luật Thủy sản (LTS) có hiệu lực năm 2004, sau 8 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của luật không còn phù hợp với tình hình thực tế và chưa phù hợp với cuộc sống. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự án LTS sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.


Luật Thủy sản hiện có nhiều vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Huy Hùng

Ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho biết, thời gian qua, LTS chưa có những quy định cụ thể và thiết thực về bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản như chính sách hỗ trợ ngư dân có tàu không tham gia khai thác thủy sản trong thời gian cấm đánh bắt. Mặc dù trong LTS quy định rõ Nhà nước có chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, các loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao... nhưng thực tế nguồn ngân sách nhà nước hằng năm phân bổ cho công tác này còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế của ngành… Những hạn chế trong các quy định của luật đã làm cho việc bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản triển khai thiếu đồng bộ và tình trạng khai thác các loài thủy sinh vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương…

Ông Lê Viễn Chí, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (NTTS) cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, một số điểm quy định về NTTS trong LTS đã không còn phù hợp, nên cần sửa đổi để đáp ứng với tình hình mới. Trong LTS năm 2003 mới chỉ quy định chung về nguyên tắc và thẩm quyền xây dựng quy hoạch phát triển NTTS, chưa phân định rõ về thẩm quyền lập, xét duyệt và phê duyệt quy hoạch. Luật cũng chỉ quy định về thời gian giao, cho thuê và thu hồi mặt nước biển để NTTS không quá 20 năm mà không quy định thời gian tối thiểu dẫn đến trường hợp các địa phương áp dụng luật tùy tiện.

Để LTS thực sự đi vào cuộc sống, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về đóng mới, đăng ký và đăng kiểm tàu cá, trang bị an toàn trên tàu cá, quản lý cảng cá để tạo điều kiện cho ngư dân khai thác, đánh bắt. Cần có quy định cụ thể về quản lý khai thác thủy sản phù hợp với thực tế nghề cá trong nước nhằm nâng cao giá trị của các sản phẩm sau khi khai thác. Một số ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định thời gian tối thiểu về giao, cho thuê, thu hồi mặt nước biển là 10 năm để người nuôi có điều kiện thu hồi vốn. Để quản lý nghề cá có hiệu quả cần có những quy định bắt buộc các tàu cá phải cập cảng. Thực tế nghề cá Việt Nam rất khó để quy định điều này nhưng bước đầu có thể áp dụng với những loại tàu cá lớn hơn 90 CV. Cần quy định rõ những vấn đề về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định về truy xuất nguồn gốc…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, khả năng dự báo của tàu cá Việt Nam quá kém, nên vừa tốn kém chi phí xăng dầu mà hiệu quả không cao. Việc quản lý tàu cá còn hạn chế, thiếu hệ thống đăng kiểm nên rủi ro cho ngư dân cao. Thực tế, nước ta có 64.470 tàu cá phải đăng kiểm nhưng chỉ có 1.290 tàu thực hiện việc này. Ngoài ra, hệ thống đăng kiểm viên còn thiếu và yếu. Với số lượng tàu cá như trên phải cần 1.300 đăng kiểm viên nhưng hiện ta mới có 165 người mà trình độ lại chưa đáp ứng yêu cầu. Tất cả những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong LTS phải bảo đảm thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục phiền hà, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và ngư dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quy định không còn phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.