(HNM) - Sau thời gian dài triển khai, hình thức đào tạo liên thông (LT) từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng (CĐ) và từ CĐ lên đại học (ĐH) đã bộc lộ nhiều bất cập, chất lượng đào tạo kém.
Để chấn chỉnh, ngày 25-12-2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT quy định đào tạo LT trình độ CĐ, ĐH. Báo Hànộimới số ra ngày 6-1 có bài "Đào tạo liên thông: Vào vẫn khó hơn ra" và nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này...
Chị Đỗ Hồng, GV một trường THPT ở quận Thanh Xuân: Phải thi các môn văn hóa là không phù hợp
Thông tư quy định, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, nếu đến thời điểm thi liên thông (LT) mà chưa đủ 36 tháng phải dự thi các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học LT trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm. Đây là thách thức rất lớn cho người đăng ký học LT bởi sau thời gian học trung cấp, CĐ, kiến thức học phổ thông đã "rơi rụng" nhiều. Với quy định này, nếu muốn học liên thông CĐ, ĐH, các em lại quay trở về vạch xuất phát ban đầu. Việc này không khác so với thi ĐH nên tôi không hiểu thời gian học trung cấp, CĐ trước đó có ý nghĩa và giá trị gì? Theo tôi, Bộ nên chấp thuận để các trường tổ chức cho các em thi những kiến thức đã học trong thời gian học trung cấp, CĐ, bởi đây là những kiến thức trực tiếp đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học LT.
Em Nguyễn Linh, xã Trung Văn (Từ Liêm): Cần có chế độ ưu đãi cho học viên đạt kết quả cao
Em đang là SV học LT hệ ĐH về lĩnh vực xây dựng và nhận thấy rằng quá trình học trung cấp, CĐ nếu có thái độ học tập nghiêm túc thì chất lượng không tồi. Do vậy, khi học LT thì thi đầu vào chỉ là một yếu tố nhỏ, điều quan trọng là quá trình dạy và học tại trường phải tuân thủ những nguyên tắc, quy chế nghiêm ngặt và cùng với đó Bộ cũng phải có quy chế kiểm tra, đánh giá để trường không chạy theo số lượng mà coi thường chất lượng. Bộ cần có thêm quy chế để những học viên có kết quả học tập xuất sắc thi LT được hưởng ưu tiên nhất định.
Chị Nguyễn Thị Quyên, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Bách Mỹ (Nhân Chính, Thanh Xuân): Quy định việc trường ra đề thi và xác định trúng tuyển là dễ dãi
Việc thắt chặt quy chế tuyển sinh học liên thông thể hiện tại Thông tư 55 sẽ được nhiều người đồng tình ủng hộ, tuy nhiên vẫn còn một số điểm bất cập. Thực tiễn cho thấy, việc đào tạo LT sai quy định thời gian qua là vì các trường tạo thêm được nguồn thu nên đua nhau tuyển sinh, số lượng sinh viên (SV) càng nhiều, các trường càng có lợi. Với quy định sau 36 tháng kể từ ngày tốt nghiệp trung cấp, CĐ, nếu muốn học LT phải thi 3 môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành, môn chuyên ngành) và các cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định trúng tuyển… tôi e rằng, các trường sẽ bằng mọi cách tuyển đủ chỉ tiêu được giao nên chất lượng học viên khó bề đoán định và dễ nảy sinh tiêu cực. Ngoài ra, thời điểm áp dụng Thông tư là 7-2-2013 sẽ tạo tâm lý bất ổn cho học viên vì thời gian cho việc ôn luyện phục vụ kỳ thi CĐ, ĐH năm 2013 chỉ còn 5 tháng, nhiều thí sinh sẽ không chuẩn bị kịp.
SV Lâm Huyền Thu, Trường ĐH Ngoại thương: Trách nhiệm bảo đảm chất lượng thuộc về BGH các trường CĐ, ĐH
Vì hệ thống văn bằng, chứng chỉ có giá trị như nhau về mặt pháp lý nên bằng đại học chính quy cũng chỉ ngang với bằng tốt nghiệp ĐH LT. Quá trình học, SV chính quy tuân thủ quy định ngặt nghèo về thời lượng trên lớp và chất lượng các kỳ thi. Trong khi đó, nhiều SV hệ dân lập và hệ LT đủng đỉnh… nhưng vẫn có bằng ĐH. Ở đây không thể trách sinh viên, mà trách nhiệm chính thuộc về BGH các trường CĐ, ĐH. Như vậy, phải bắt đầu chấn chỉnh từ chính đội ngũ giảng viên, có quy chế ràng buộc giữa nhà trường với Bộ GD-ĐT, giữa nhà trường với SV. Khi nhà trường thu lợi từ SV học LT thì phải bảo đảm chất lượng đào tạo, không thể tạo ra sản phẩm "ế, thừa". Do đó, Bộ cần có biện pháp để giám định chất lượng đào tạo của các trường, không nên thả nổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.