Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều quốc gia không sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca cho người cao tuổi

Hoàng Linh| 04/02/2021 06:41

(HNMO) - Đến 6h ngày 4-2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 104.841.773 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 2.275.444 ca tử vong, 76.486.466 ca đã bình phục.

Binh sĩ Anh hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho người dân tại Cardiff (xứ Wales).

Châu Âu

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt vắc xin Covid-19 của Oxford/AstraZeneca, nhưng nhiều nước thành viên e dè trước hiệu quả của loại vắc xin này. 

Cụ thể, Bỉ là quốc gia châu Âu mới nhất khuyến cáo không sử dụng vắc xin trên đối với người cao tuổi do thiếu thông tin về tính hiệu quả. Bộ trưởng Y tế nước này Frank Vandenbroucke cho biết, việc chủng ngừa vắc xin loại này trong giai đoạn trước mắt chỉ nên áp dụng với những người dưới 55 tuổi. 

Trong khi đó, Đức và Áo cũng đã khuyến nghị không sử dụng loại vắc xin đến từ Anh đối với người trên 65 tuổi, còn Ba Lan cho biết sẽ chỉ tiêm vắc xin Oxford/AstraZeneca cho những người trong độ tuổi từ 18 đến 60. Thụy Sĩ quyết định hoãn việc phê duyệt sử dụng vắc xin của Oxford/AstraZeneca, nhằm chờ thêm thông tin về tính hiệu quả cũng như chất lượng vắc xin.  

Tại Anh, chính quyền vùng Scotland thông báo sẽ siết chặt nhập cảnh đối với người nước ngoài khi yêu cầu tất cả những người đến từ bên ngoài nước Anh thực hiện cách ly có quản lý. Biện pháp này được xem là gắt gao hơn, thậm chí trái ngược với chủ trương Chính phủ Anh công bố trước đó. Tuy nhiên, chưa rõ biện pháp này có áp dụng với những người nhập cảnh vào Anh và sau đó mới đến Scotland hay không. 

Trong khi đó, từ ngày 6-2, người nhập cảnh Thụy Điển sẽ phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 48 tiếng trước đó. Áo cũng siết chặt biên giới để ngăn du khách tới các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại nước này, trong đó yêu cầu những người nhập cảnh phải khai báo với các nhà chức trách và thực hiện xét nghiệm theo tuần.

Hà Lan gia hạn một số biện pháp hạn chế phòng dịch đến ngày 2-3 nhằm ứng phó tình trạng số ca nhiễm tăng nhanh do biến thể mới của SARS-CoV-2. Các trường học, cửa hàng không thiết yếu, quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, mỗi hộ gia đình mỗi ngày chỉ được tiếp một vị khách. Một ngoại lệ là các trường tiểu học và một số cửa hàng có thể hoạt động trở lại từ ngày 8-2. 

Romania dự kiến sẽ cho phép phần lớn học sinh quay trở lại trường học từ tuần tới sau 6 tháng đóng cửa. Động thái mới diễn ra trong bối cảnh hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên nước này thiếu máy tính hoặc không thể kết nối internet để học trực tuyến. 

Châu Á - châu Đại Dương

Hàn Quốc đã có đối sách đặc biệt nhằm giảm lưu lượng di chuyển và sự tiếp xúc của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, các cửa hàng tại các trạm dừng chân ven đường cao tốc chỉ được phép bán hàng cho khách mang đi, hạn chế thời gian dừng đỗ và khuyến cáo người dân tự chuẩn bị đầy đủ nước uống và đồ ăn khi di chuyển. Chính phủ nước này cũng quy định chỉ bán vé gần cửa sổ trên các phương tiện giao thông công cộng, trong khi tàu thủy sẽ chỉ chở số lượng người bằng một nửa so với thông thường. 

Xứ Kim chi cũng có kế hoạch cung cấp thông tin về tình trạng giao thông theo thời gian thực và hướng dẫn phân làn đường bằng biển chỉ dẫn trên đường cao tốc. Phí cầu đường vẫn được thu bình thường nhưng những khoản thu trong dịp Tết năm nay sẽ được dùng cho các mục đích cộng đồng, bao gồm cả phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Đông Nam Á, Singapore đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên cấp phép sử dụng vắc xin phòng Covid-19 do hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) bào chế. Dự kiến lô vắc xin đầu tiên của hãng Moderna sẽ tới nước này vào tháng 3 tới. 

Tại Australia, chính quyền bang New South Wales sẽ nới lỏng các hạn chế phòng dịch đối với các nhà hàng và quán rượu trong tuần này sau khi ghi nhận 17 ngày không có ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng. Trước đó, bang này đã siết chặt các biện pháp phòng dịch từ tháng 12 năm ngoái sau khi hơn 100 ca nhiễm được phát hiện tại phía Tây và Bắc của bang. 

Saudi Arabia đã tạm cấm nhập cảnh đối với công dân của 20 quốc gia trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng gần đây ở quốc gia vùng Vịnh này. Lệnh cấm có hiệu lực từ 21h ngày 3-2 (giờ địa phương). Các quốc gia trong danh sách cấm gồm Argentina, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Đức, Mỹ, Indonesia, Ireland, Italia, Pakistan, Brazil, Bồ Đào Nha, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Pháp, Lebanon, Ai Cập, Ấn Độ và Nhật Bản.

Pakistan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc với 500.000 liều vắc xin phòng Covid-19 của Sinopharm do Trung Quốc tài trợ. Quốc gia Nam Á cũng được đảm bảo sẽ nhận được 17 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca theo Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) cho các quốc gia đang phát triển. 

Châu Phi

Lục địa đen đã ghi nhận 3.625.268 ca mắc Covid-19, trong đó có 93.061 ca tử vong, 3.122.765 ca đã được điều trị khỏi. Xét theo khu vực, vùng phía Nam châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả về số ca nhiễm và số ca tử vong, tiếp theo là khu vực Bắc Phi. Ở phương diện từng quốc gia, Nam Phi là nước ghi nhận số ca mắc nhiều nhất châu lục, với 1.463.016 trường hợp nhiễm bệnh. 

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều quốc gia không sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca cho người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.