(HNM) - Để tránh tình trạng chồng chéo thuế, phí nhưng bảo đảm cắt giảm một số dòng thuế theo cam kết quốc tế, bài toán cân đối ngân sách một lần nữa lại được đặt ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý I-2015 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 7-4.
Để tránh tình trạng chồng chéo thuế, phí nhưng bảo đảm cắt giảm một số dòng thuế theo cam kết quốc tế, bài toán cân đối ngân sách một lần nữa lại được đặt ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý I-2015 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 7-4.
Người dân đến nộp ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Mai Vy |
Bội chi ngân sách 37,3 nghìn tỷ đồng
Tình hình kinh tế vĩ mô 3 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng GDP quý I năm 2015 ước đạt 6,03% đã tác động tích cực tới hoạt động thu, chi NSNN. Lũy kế thu quý I đạt 226 nghìn tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2014. Đa số các khoản thu ngoài sản xuất kinh doanh (SXKD) đạt, vượt yêu cầu dự toán từ 25% trở lên. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân đạt 29,3% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ; thu về nhà và đất đạt 27,2% dự toán, tăng 42,8% so cùng kỳ; thuế BVMT đạt 25,1% dự toán, tăng 15% so cùng kỳ...
Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, kết quả thu nội địa quý I-2015 đạt khá ngoài lý do kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động SXKD trong nước duy trì được đà phục hồi tốt còn do giải pháp cải cách hành chính, nhất là cải cách về thủ tục hành chính thuế đã thực hiện từ năm 2014 đã giúp doanh nghiệp (DN) thuận lợi hơn trong kê khai nộp thuế. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế cũng được ngành tài chính tập trung thực hiện. Tuy nhiên, tổng chi NSNN quý I ước đạt 263,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 12,3% so cùng kỳ năm 2014. Bội chi NSNN quý I ước lên tới 37,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm.
Số bội chi NSNN quý I khá lớn đã đặt ra câu hỏi về phương án bù đắp của Bộ Tài chính. Bởi, từ nay đến cuối năm nguồn thu NSNN dự kiến sẽ giảm khá mạnh do thuế suất hàng nghìn mặt hàng sẽ giảm mạnh do nhiều FTA mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ có hiệu lực. Bên cạnh đó, Luật Thuế BVMT có hiệu lực từ ngày 1-5-2015 đòi hỏi Bộ Tài chính phải cân đối lại các khoản thuế, phí nhằm hài hòa lợi ích nhà nước, DN, người dân, tránh tình trạng "thuế chồng phí". Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu chính phủ nhằm tạo thêm nguồn vốn bù đắp bội chi sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình thị trường vốn hiện không mấy thuận lợi cho công tác huy động.
Sử dụng hài hòa các công cụ tài chính
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, từ ngày 1-5 thuế BVMT với xăng, nhiên liệu bay sẽ tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng 500 - 1.500 đồng/lít. Các loại dầu khác cũng tăng thuế 300 - 900 đồng/lít. Trước khi quy định mới có hiệu lực, Bộ Tài chính đã cân nhắc, tính toán kỹ để khi áp dụng vào thực tế, cơ bản giá xăng, dầu sẽ được giữ ổn định và không biến động mạnh. Để thực hiện điều này, Bộ sẽ sử dụng công cụ thuế và quỹ bình ổn giá. Thông qua việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và trích quỹ bình ổn theo đúng quy định, sẽ không xảy ra tình trạng xăng, dầu tăng giá đột biến.
Liên quan đến việc hàng loạt FTA có hiệu lực khiến thuế suất thuế nhập khẩu hàng nghìn mặt hàng giảm mạnh, thậm chí về mức 0% khiến nguồn thu NSNN giảm mạnh, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế theo đúng cam kết. Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế suất ưu đãi này, DN cũng phải xuất trình đầy đủ C/O chứng minh xuất xứ hàng hóa. Bộ cũng sẽ siết chặt việc thanh tra, kiểm tra nhằm tránh tình trạng DN sử dụng C/O để chuyển từ áp dụng biểu thuế ưu đãi hiện hành sang một biểu thuế khác có thuế suất thấp hơn sai quy định.
Cùng với việc sử dụng những công cụ về thuế, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh huy động vốn cho NSNN, tạo nguồn lực phục vụ các khoản chi theo kế hoạch và phục vụ đầu tư phát triển trong năm nay. Trên thực tế, trong quý I-2015, Bộ Tài chính đã huy động được gần 56 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu, đạt 22,4% kế hoạch cả năm với các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm. Việc huy động vốn theo kỳ hạn dài sẽ tạo nguồn lực ổn định, lâu dài, góp phần giữ vững cân đối thu - chi NSNN.
Bên cạnh những giải pháp giữ vững an ninh tài chính, việc ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động quản lý cũng sẽ được ngành tài chính chú trọng thực hiện. Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đề án dán tem điện tử để quản lý rượu nhập khẩu dựa trên những thông tin giám sát, quản lý của ngành hải quan sẽ cung cấp cho người tiêu dùng mã bảo vệ dán trên chai rượu theo hình thức thẻ cào. Từ thông số có được của thẻ này, người tiêu dùng có thể truy cập hệ thống quản lý, tìm hiểu thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Nếu không có thông tin phản hồi, họ có thể khẳng định chai rượu nhập khẩu không an toàn. Đây là một trong những ứng dụng hiệu quả mà hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS) mang lại và tới đây có thể áp dụng với nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu trong đó có thuốc lá.
Dự thảo Luật Phí và Lệ phí do Bộ Tài chính trình Quốc hội sẽ được sửa đổi theo hướng bảo đảm quyền lợi của người dân, DN, chuyển mạnh sang cơ chế giá dịch vụ và chia thành 2 loại gồm: Các loại phí hoàn toàn theo cơ chế thị trường và một số cần có sự kiểm soát của Nhà nước như học phí, viện phí. Nếu như trước đây có 73 khoản phí và 42 khoản lệ phí thì tới đây sẽ chỉ còn 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.