Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều nước "cắn răng" chấp nhận

Đình Hiệp| 24/09/2015 06:17

(HNM) - Đoàn người tị nạn Syria đầu tiên trong tổng số 20.000 người di cư của quốc gia Trung Đông này đã tới được nước Anh - chưa đầy 24 tiếng sau khi các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh Châu Âu (EU) thông qua kế hoạch phân bổ 120.000 người nhập cư mới trong cuộc họp ngày 22-9 vừa qua.

Cuộc khủng hoảng nhập cư đặt ra cho các nước EU nhiều khó khăn.



Không phải thành viên của Hiệp ước Schengen (đi lại tự do) nên Anh không liên quan đến việc phân bổ hạn ngạch mà EU vừa đưa ra cho các nước thành viên. Thế nhưng, để thể hiện sự "sát cánh" cùng EU trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư lịch sử này, Chính phủ Anh cam kết sẽ tự nguyện tiếp nhận 20.000 người tị nạn Syria đang sống trong các lều trại tại Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 năm tới theo kế hoạch "Tái định cư cho những người dễ bị tổn thương". Không đề cập chi tiết có bao nhiêu người trong đoàn tị nạn đầu tiên được tiếp nhận và những nơi nào trên lãnh thổ nước Anh được chọn để bố trí chỗ ở cho họ. Tuy nhiên theo kế hoạch, những người tị nạn sẽ có nơi ở, được chăm sóc y tế, được học tập và bảo vệ theo quy chế tị nạn trong 5 năm. Sau thời gian này, Chính phủ Anh có thể xem xét và cho phép họ nhập cư tại đây.

Quyết định trên được Chính phủ Anh đưa ra nhằm đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với các nước thành viên EU nhằm chia sẻ gánh nặng trong tiếp nhận 120.000 người nhập cư. Theo thỏa thuận mới nhất giữa Bộ trưởng Nội vụ các nước EU, khoảng 66.000 người trong tổng số 120.000 người đã được cấp quy chế tị nạn sẽ được tái bố trí từ Hy Lạp và Italia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 54.000 người còn lại, từng bị Hungary từ chối tiếp nhận, sẽ được tái phân bổ. Kế hoạch phân bổ hạn ngạch vừa được thông qua là bắt buộc đối với toàn bộ 28 nước thành viên EU.

Sự kiện các Bộ trưởng Nội vụ EU đạt được thỏa thuận về vấn đề người nhập cư ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp của lãnh đạo EU sẽ diễn ra sáng 24-9 (giờ Việt Nam) có ý nghĩa quan trọng. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng các quốc gia trong khối có thể "tay bắt mặt mừng" để "đồng cam cộng khổ" giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay. Pháp tuyên bố sẽ đón nhận khoảng 1.000 người tị nạn nhằm hỗ trợ cho Đức đối phó với làn sóng di cư đang đổ về đây và 24.000 người tị nạn khác trong các năm 2016 - 2017. Tây Ban Nha mạnh dạn khẳng định sẽ tiếp nhận không giới hạn người di cư, nhưng đòi hỏi EU phải sớm đưa ra quyết định rõ ràng về vấn đề này. Các nước Phần Lan, Đan Mạch… cũng có nhiều động thái tích cực giúp đỡ dòng người di cư đang đổ từ Hungary sang Áo và Đức… Tuy nhiên, nhiều nước EU khác lại cho rằng không nên phân bổ hạn ngạch mà chỉ nên nhận người tị nạn trên cơ sở tự nguyện. Ireland nói họ không đủ khả năng tiếp nhận 40.000 người như phân bổ. Trong một tuyên bố mới nhất trên truyền hình, Thủ tướng CH Slovakia Robert Fico khẳng định nước này vẫn phản đối việc áp hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người nhập cư do khối này đặt ra, điều đã gây bất đồng gay gắt giữa các nước thành viên trong khối, đặc biệt giữa các quốc gia Trung và Đông Âu. Ông R.Fico cũng cho biết có thể không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khẩn cấp của EU để bày tỏ sự phản đối của Slovakia, dù cho đó là sự phản đối đơn phương và có thể vấp phải sự chỉ trích của các nước thành viên khác. Trong khi đó, khoảng 500 người dân Latvia cũng xuống đường biểu tình tại thủ đô Riga để phản đối Chính phủ quyết định tiếp nhận 776 người di cư từ nước ngoài.

Kết quả nghiên cứu "Bàn thảo chính sách di trú" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố mới đây cho thấy, khoảng 450.000 người trong số hàng trăm nghìn người di cư đang đổ về Châu Âu sẽ được hưởng quy chế tị nạn lâu dài. Đây sẽ là con số lớn nhất người di cư được tiếp nhận tị nạn kể từ sau Chiến tranh Thế giới II. Theo bản nghiên cứu, từ đầu năm đến nay có khoảng 700.000 người nộp đơn xin tị nạn tại các nước EU và con số này vào thời điểm cuối năm 2015 ước tính lên đến 1 triệu người, vượt xa mốc 630.000 người xin tị nạn hồi năm 1992 khi xảy ra chiến tranh Bosnia - Herzegovina. Cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ khiến dư luận quan ngại, bởi các nước xuất phát điểm di cư có hoàn cảnh khác nhau và người di cư cũng ra đi vì nhiều lý do khác nhau. Đây là nguyên nhân khiến việc xét các hồ sơ xin tị nạn trở nên khó khăn và đặt ra nhiều thách thức cho các nước tiếp nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nước "cắn răng" chấp nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.