Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều nơi giẫm chân tại chỗ

Nguyễn Mai| 15/11/2013 07:16

(HNM) - Hiện nay, tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương khá chậm, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn. Không chỉ nguồn vốn đối ứng của các xã không đạt so với đề án xây dựng NTM đề ra

Trường Tiểu học xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) được đầu tư từ một phần vốn của chương trình lồng ghép.



Làm trước, lo trả nợ sau

Hồng Dương, xã điểm xây dựng NTM của huyện Thanh Oai, đến nay đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM, tăng 11 tiêu chí so với năm 2011. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Hùng, cái được lớn nhất ở Hồng Dương từ khi triển khai xây dựng NTM là nhận thức của người dân đã được nâng lên một bước. Cùng với phát triển văn hóa, xã hội, xã tập trung vào các mô hình chuyển đổi trong nông nghiệp, phát huy thế mạnh của 7/7 làng nghề nên đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt gần 27 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2011. Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, 100% rác thải trên địa bàn xã được thu gom và vận chuyển ngay trong ngày…

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với Hồng Dương là kinh phí xây dựng NTM đang thiếu nghiêm trọng. Theo Đề án xây dựng NTM của xã năm 2010, kinh phí được duyệt là 231 tỷ đồng; năm 2012, được duyệt điều chỉnh thành 267 tỷ đồng. Từ năm 2012, xã gấp rút triển khai các chương trình để hoàn thành theo đề án NTM, tập trung vào xây dựng nhà văn hóa ở các thôn, làm đường giao thông nông thôn và nội đồng… "Nguồn thu không có, chi thường xuyên của xã phải nhờ vào điều tiết của cấp trên nên không thể có vốn đối ứng. Để hoàn thành cơ sở hạ tầng cho NTM, các doanh nghiệp đã ứng vốn cho địa phương để làm công trình. Đến nay, xã đang nợ doanh nghiệp khoảng 33 tỷ đồng chưa biết bao giờ trả được". - Ông Hùng cho biết.

Thị xã Sơn Tây có 6 xã xây dựng NTM, tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung của các huyện, các tiêu chí đạt được ở Sơn Tây còn ở mức thấp. Đến nay, xã điểm Sơn Đông mới có 17/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt; các xã Cổ Đông, Kim Sơn, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Đường Lâm mới chỉ đạt và cơ bản đạt 8-11 tiêu chí. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế Sơn Tây Phùng Thị Thanh, khó khăn của Sơn Tây là nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất đạt rất thấp. Tiêu chí về thu nhập, mới có 2 xã cơ bản đạt, 4 xã chưa đạt; tỷ lệ hộ nghèo, mới có 3 xã cơ bản đạt, 3 xã chưa đạt; tiêu chí cơ cấu lao động, mới có 2 xã đạt và cơ bản đạt, 4 xã chưa đạt… Bà Thanh cho biết, hiện có nhiều công trình xây dựng dang dở do thiếu vốn. Điển hình như tại xã điểm Sơn Đông, đến nay vẫn chưa huy động được vốn lồng ghép; vốn ngân sách xã, vốn doanh nghiệp, vốn do nhân dân đóng góp và vốn xã hội hóa đều không đạt mục tiêu theo đề án dẫn đến nhiều công trình xây dựng cơ bản triển khai chậm. Nhiều công trình dang dở như chợ ở Sơn Đông đang bị phơi mưa nắng rất lãng phí.

Tháo gỡ khó khăn cho vốn lồng ghép

Tại xã Hồng Dương đến nay, tổng nguồn vốn địa phương huy động thực hiện đề án mới đạt 80,9/267 tỷ đồng, trong đó, vốn thành phố là 33,4 tỷ đồng; vốn huyện gần 30 tỷ đồng; vốn xã là 440 triệu/29 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp được 17 tỷ đồng… Theo lãnh đạo xã Hồng Dương, nguồn vốn đối ứng của xã chỉ trông vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất nhưng việc đấu giá này không phải ngày một ngày hai. Để có nguồn thu từ đất, Hồng Dương đã quy hoạch 7/7 điểm đấu giá quyền sử dụng đất nhưng "kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng khu đấu giá khá lớn, đẩy giá thành lên cao khiến người dân khó có điều kiện mua. Thậm chí, có đấu giá được thì cũng chưa chắc đã bù được chi phí làm hạ tầng" - Ông Hùng e ngại. Đặc biệt, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn lồng ghép khoảng 77 tỷ đồng nhưng đến nay, địa phương mới được phân bổ 2 tỷ đồng vào công trình trường THCS.

Còn tại xã điểm Sơn Đông, vốn ngân sách thành phố hỗ trợ chỉ chiếm 9% (23,8/264 tỷ đồng), vốn lồng ghép gần 80,6 tỷ đồng, chiếm 30,5%, nhưng việc bố trí vốn rất chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ chương trình. Để tháo gỡ khó khăn về vốn, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng kiến nghị vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM hiện nay có rất nhiều nguồn (vốn ngân sách nhà nước, vốn chương trình lồng ghép, vốn xã hội hóa, vốn doanh nghiệp, vốn nhân dân đóng góp…) nên khó thực hiện. Do đó, đề nghị thành phố và trung ương ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho chương trình xây dựng NTM. Trước mắt, cần quan tâm bố trí nguồn vốn lồng ghép để các xã thực hiện dự án, bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch được phê duyệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nơi giẫm chân tại chỗ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.