Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều niềm vui nhưng cũng nhiều day dứt

Lê Đức Hải| 09/09/2013 05:43

(HNM) - Mỗi năm có một ngày khai giảng năm học mới, nhưng dư âm và những cảm xúc về ngày khai trường luôn đọng lại trong tâm trí mỗi người.

Đối với mọi thế hệ học trò, trước đây, bây giờ và sau này, ngày khai trường luôn là một dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời học sinh. Sau ba tháng nghỉ hè, thầy trò mừng vui gặp lại nhau để cùng bắt đầu một hành trình phấn đấu mới. Những học trò cuối cấp đón ngày khai giảng cuối cùng của đời học sinh phổ thông với tâm trạng nao nao, bồi hồi khó tả, dù vẫn những thầy cô, bè bạn thân quen, vẫn ngôi trường cũ với bằng lăng, phượng vĩ… Còn với đàn em nhỏ thơ ngây, bẽn lẽn, hồi hộp bước vào lớp 1, ngày đầu tiên tới lớp ấy mãi là một sự kiện thiêng liêng.

Đặc biệt hơn, trong nhiều năm trở lại đây, ngày khai trường đã trở thành "ngày hội toàn dân đưa trẻ tới trường", là ngày vui chung của cả cộng đồng và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Cho dù không phải là chuyện mới nhưng cũng cần nói thêm về ngày khai trường vừa qua. Gần đây, hầu như ngày khai trường không còn là ngày mở đầu năm học mới nữa mà không hiểu vì lý do gì phần lớn các trường đều lặng lẽ dạy chính khóa từ trong dịp hè, trước lễ khai giảng nửa tháng, thậm chí cả tháng, và năm nay cũng không phải ngoại lệ. Đến khi chính thức "trống giong, cờ mở" thì ý nghĩa ngày khai trường ít nhiều đã phai nhạt. Ngay những ngày đầu năm học mới, không ít học sinh và cả phụ huynh, đã phần nào "ngấm" áp lực học hành, và như thế đã làm giảm đi sự háo hức…

Ngày khai trường là ngày mở đầu năm học mới nên đương nhiên mang nhiều ý nghĩa. Nhưng khai giảng năm học 2013-2014 càng đặc biệt hơn bởi năm học này là năm đầu tiên triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Đó thực sự là một trọng trách lớn lao không chỉ đối với ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) nói riêng - trong đó có hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên và hơn 22 triệu học sinh, sinh viên - mà còn là trách nhiệm nặng nề của các cấp, ngành, địa phương, của đông đảo phụ huynh học sinh và toàn thể cộng đồng xã hội nói chung.

Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học. Truyền thống ấy càng được phát huy trong chế độ ngày nay. Ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước "của dân, do dân, vì dân", dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm tới giáo dục. Chỉ 3 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã gửi thư chúc mừng khai giảng năm học mới - năm học đầu tiên của một đất nước độc lập, tự do. Trong thư, Người nhấn mạnh: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Trong bối cảnh nhà nước cách mạng vô sản non trẻ đứng giữa muôn vàn gian khó, đối phó với không ít thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định diệt "giặc dốt" cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả dân tộc. Người khẳng định sự nghiệp giáo dục chính là sự nghiệp "trồng người". Và gần một năm trước khi mãi mãi đi xa, trong thư gửi cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và học sinh, sinh viên nhân dịp đầu năm học mới 1968, Người đã căn dặn: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt". Bao năm đã qua, tư tưởng về giáo dục - được cụ thể hóa bằng những lời lẽ, hành động chan chứa yêu thương, động viên khích lệ, đồng thời gửi gắm niềm tin tưởng sâu sắc - của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là "kim chỉ nam" cho mọi thế hệ giáo viên, học sinh nước nhà.

Trong suốt những năm tháng trường kỳ kháng chiến giành độc lập, tự do dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước ta vẫn không ngừng quan tâm, chăm lo tới sự nghiệp "trồng người". Đặc biệt, trong những năm gần đây, GD-ĐT được xác định là "quốc sách hàng đầu"; ngân sách chi cho GD-ĐT hằng năm chiếm tới hơn 20% GDP của cả nước - một tỷ lệ không hề nhỏ so với nhiều nước trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn như hiện nay thì đó là một sự nỗ lực, cố gắng rất đáng kể. Không chỉ từ nguồn ngân sách, mà nhiều nguồn lực khác cũng được huy động tối đa cho các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển GD-ĐT, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học, quan tâm phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn…

Như đã nói ở trên, năm học mới 2013-2014 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 6 (khóa XI) về "đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT". Tuy nhiên, bước vào năm học mới ngành GD-ĐT đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương ưu tiên, quan tâm, chăm lo, tuy nhiên cơ sở vật chất của GD-ĐT chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Hầu hết các địa phương trong cả nước vẫn thiếu phòng học. "Có điều kiện" như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng còn thiếu hàng nghìn phòng học, nói gì đến các tỉnh nông thôn, miền núi. Trận lũ quét xảy ra đêm 4-9 ở thôn Can Hồ A (xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), ngay trước lễ khai giảng năm học mới, đã "thổi bay" cả khu tập thể giáo viên Trường THCS Bản Khoang là lời cảnh báo "nóng hổi" về sự nghèo nàn cơ sở vật chất ngành GD-ĐT ở vùng sâu vùng xa, những nơi có không ít giáo viên, học sinh đang phải dạy, học, ăn ở trong những lều lán tạm bợ, cheo leo, nguy hiểm và không đủ điều kiện sống tối thiểu. Vì sao tỷ trọng GDP đầu tư cho GD-ĐT trong những năm qua luôn thuộc loại top của thế giới mà cơ sở vật chất cho việc dạy và học ở nước ta vẫn thiếu trầm trọng? Đó là vì GDP của ta chưa thể sánh với các nước phát triển, nên mức chi ngân sách tính trên đầu mỗi học sinh, sinh viên còn thấp hơn cả nhiều nước trong khu vực. Đáng nói là phần lớn ngân sách được dùng để chi trả lương, phụ cấp cho giáo viên (80%, cá biệt có nơi tới 95%), không còn đủ kinh phí để duy trì hoạt động khác như nâng cấp trường lớp, mua sắm đồ dùng, thiết bị học tập… Ngân sách đã hạn hẹp, mức thu học phí lại thấp nên vấn đề "đầu tiên" đối với ngành GD-ĐT luôn là bài toán nan giải. Do nguồn ngân sách chỉ đáp ứng 60% nhu cầu hoạt động GD-ĐT nên 40% còn lại trông vào đóng góp của phụ huynh, và tuy mức học phí thấp nhưng do phải đóng thêm vô số khoản phụ phí khác (song lại rất quan trọng đối với nhà trường) nên chuyện học hành của con cái đã trở thành gánh nặng đối với nhiều gia đình nghèo. Đó là chưa nói đến học sinh các trường nội trú miền núi áo không đủ ấm, cơm không đủ no, đang là nỗi day dứt của hàng triệu người chúng ta...

Một chuyện nữa cũng nan giải không kém. Đó là năm học 2013-2014 cả nước còn thiếu khoảng 27 nghìn giáo viên các cấp, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học. Đáng nói là trong khi đó nhiều nơi lại thừa giáo viên THPT. Theo dự báo nhu cầu của ngành GD-ĐT đến năm 2020, vùng Đồng bằng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung mỗi năm cần thêm 2 nghìn giáo viên mầm non và khoảng 1.500 giáo viên tiểu học (trong khi cần giảm 350 giáo viên THPT/năm). Trong số khoảng 9.000 giáo viên THCS cần bổ sung mỗi năm thì chủ yếu cần phân bổ cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Ngay cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng thiếu giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn chuyên biệt như thể dục, tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc… Ngoài độ "vênh" giữa cung và cầu, giữa sử dụng và đào tạo cùng với rào cản về thủ tục hành chính, thiếu cơ chế tạo sức hút nhân lực thì tâm lý giáo viên trẻ thích làm việc ở địa bàn thuận lợi chứ không muốn về nơi khó khăn, là những lý do chính dẫn đến nghịch lý thừa - thiếu này.

Thế nhưng, đó mới chỉ là bề nổi. "Tảng băng" chìm lớn nhất của ngành GD-ĐT chính là chất lượng GD-ĐT, với những yếu kém, tồn tại dai dẳng như bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, vấn nạn dạy thêm, học thêm... Đã có không ít ý kiến cho rằng, chất lượng GD-ĐT của Việt Nam đang có chiều hướng tụt hậu, và hiện có một khoảng cách khá xa so với các nước đang phát triển; và GD-ĐT chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu đổi mới của đất nước trong giai đoạn hiện nay và sau này. Song, cũng phải công bằng mà nhìn nhận rằng những yếu kém, tồn tại nói trên không chỉ do lỗi của ngành GD-ĐT, mà còn có phần trách nhiệm của xã hội, bao gồm cả các bậc phụ huynh. Phần lớn phụ huynh hiện nay đều xác định mục tiêu học tập cho con em là "để làm... quan" chứ không phải là để trang bị kiến thức, kỹ năng thành người. Đáng nói là nếp nghĩ, cách nhìn nhận lệch lạc này được một bộ phận lớn của xã hội ủng hộ, "vỗ tay vào" nên đã trở nên khá phổ biến…

Khắc phục những tồn tại về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và đặc biệt là về chất lượng GD-ĐT không phải là chuyện "ngày một, ngày hai", nhưng rõ ràng giải quyết những vướng mắc, nghịch lý này đang là một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi dứt điểm để nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Bởi thế, hàng loạt chỉ đạo mới của lãnh đạo ngành GD-ĐT yêu cầu triển khai trong năm học 2013-2014 như: Thí điểm xây dựng chương trình giáo dục của nhà trường (dựa trên chương trình chung Bộ GD-ĐT ban hành, các trường chủ động tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục, hoạt động tập thể… phù hợp với đặc điểm từng địa phương); khuyến khích không chấm điểm học sinh lớp 1; cấm không dạy tô chữ, viết chữ cho học sinh mầm non; mở rộng thí điểm công nghệ giáo dục cho lớp 1, lớp 2; mở rộng thực hiện mô hình trường học mới... Đã cho thấy, ngành GD-ĐT đang cố gắng, quyết tâm thực hiện sứ mệnh đổi mới giáo dục.

Những động thái mới của ngành GD-ĐT đã thu hút sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội, với những kỳ vọng lớn lao vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện để chấn hưng nền giáo dục. Đổi mới giáo dục không chỉ làm vơi đi gánh nặng học hành cho các thế hệ học sinh (và ở góc độ nào đó là các phụ huynh) bây giờ và sau này, giúp mỗi ngày đến trường của các em đều là một ngày vui; mà nhìn rộng hơn, đổi mới giáo dục để hướng tới cái đích đào tạo những thế hệ trẻ vừa có tri thức, vừa có đạo đức, hoài bão nhằm xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn…

Chúng ta đã và đang cố gắng đổi mới giáo dục với những hy vọng mới. Năm học mới có nhiều niềm vui, nhiều hy vọng, tuy vậy cũng không thiếu sự day dứt, lo toan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều niềm vui nhưng cũng nhiều day dứt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.