(HNM) - Theo sáng kiến của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Tổng thống Yemen Ali Ali Abdullah Saleh ký thỏa thuận chuyển giao cho Phó Tổng thống Mansour Hadi, ngày 23-11, tại thủ đô Ryad của Saudi Arabia.
Theo đó, ông A.Saleh đặt dấu chấm cho 33 năm tại vị của mình và trao quyền cho Phó Tổng thống M.Hadi, đổi lại ông A.Saleh và gia đình được quyền miễn truy tố. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn giữ vai trò là tổng thống danh dự trong thời gian 90 ngày, đến khi Yemen bầu được tổng thống mới. Dự kiến, sau khi tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước, ông M.Hadi sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc do phe đối lập lãnh đạo và tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày.
Quân đội và các lực lượng an ninh Yemen đã được huy động để ngăn chặn những hành động quá khích của người biểu tình. |
Đây là dấu mốc quan trọng, gỡ nút thắt cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 10 tháng qua ở quốc gia vùng Vịnh này. Ngay sau khi thỏa thuận được ký, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định, điều này đánh dấu một bước đi mới đối với người dân Yemen trong xây dựng đất nước. Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cũng nêu rõ, người dân Yemen có thêm hy vọng rằng đất nước của họ mở ra một tương lai mới. Phía Saudi Arabia cho rằng, kế hoạch này là sự kiện quan trọng trong lịch sử của Yemen... Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi thỏa thuận được ký, tình hình Yemen vẫn diễn tiến theo chiều hướng khó lường.
Ngày 25-11, hàng nghìn người đã biểu tình trên các đường phố ở thủ đô Sanaa. Trước đó, ngày 24-11, các cuộc biểu tình đã biến thành cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, làm ít nhất 5 người thiệt mạng và 25 người bị thương. Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống A.Saleh phải nhanh chóng chuyển giao quyền lực và phản đối các điều khoản trong thỏa thuận, trong đó có điều khoản cho phép ông A.Saleh và người thân được quyền miễn truy tố. Họ tuyên bố tiếp tục phản đối cho đến khi đạt được mục đích. Những người biểu tình cho biết sẽ kiên trì bám trụ để đòi cải cách dân chủ tại Yemen.
Rõ ràng, sự ra đi của ông A.Saleh chỉ gỡ một nút thắt nhỏ để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại nước này. Yemen có thực sự thay đổi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là thiện chí của các bên. Trong bối cảnh hiện nay, dư luận cho rằng, khó có thể đồng nhất và đáp ứng được tất cả yêu sách của người biểu tình. Thậm chí, các nhà phân tích cho rằng, thỏa thuận vừa qua có thể sẽ mở đường cho một cuộc đấu tranh giành quyền lực tại quốc gia vùng Vịnh này. Bởi những người có khả năng tranh giành quyền lực lại là con trai và cháu trai của ông A.Saleh, đang chỉ huy những đơn vị quân đội tinh nhuệ và lãnh đạo những bộ lạc đầy sức mạnh. Thỏa thuận không đề cập rõ ràng về việc cấm ông A.Saleh khỏi các hoạt động chính trị, do đó nhiều người không khỏi lo ngại rằng, kết quả vừa qua chưa chắc sẽ giải quyết được những bất ổn, căng thẳng hiện nay.
Chưa rõ tương lai của Yemen sẽ như thế nào, nhưng có điều chắc chắn rằng các nhà lãnh đạo kế tiếp của nước này sẽ phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn: doanh thu từ dầu mỏ sụt giảm đáng kể, nền kinh tế đang trì trệ sau nhiều tháng bạo động, tình trạng nghèo đói đang không thể kiểm soát, thêm vào đó là sự hoành hành của mạng lưới khủng bố Al Qeada...
Tổng thống Ali Abdullah Saleh là nhà lãnh đạo thứ 4 từ bỏ quyền lực trước làn sóng bạo động ở Trung Đông, sau Tunisia, Ai Cập, Lybia, nhưng sau sự ra đi ấy, vẫn chưa tìm thấy điểm sáng hy vọng nào mang lại sự bền vững thực sự. Yemen tiềm ẩn nhiều nguy cơ và bất ổn là điều đang hiện hữu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.