(HNM) - Xác định nguyên nhân và tác hại của các hình thức tham nhũng phổ biến trong ngành giáo dục, nhấn mạnh tới những đặc trưng của Việt Nam, đó là mục đích chính của cuộc hội thảo
Hành vi "mờ" - "Chuyện bình thường" với 70% số phụ huynh
Phụ huynh luôn chấp nhận xin học cho con bằng mọi giá tại các trường có cơ sở vật chất tốt. Ảnh: Huyền Linh
Tại hội thảo, Công ty Tư vấn quản lý và chuyển đổi tổ chức (T&C Consulting) đã công bố kết quả cuộc khảo sát, thực hiện dưới sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ, tiến hành tháng 5-2010. Những nghiên cứu của nhóm T&C Consulting tập trung khảo sát thực trạng 3 hiện tượng ẩn chứa nguy cơ tham nhũng là: tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm và thu phí ngoài quy định. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng nhóm nghiên cứu lý giải: 3 hiện tượng này được lựa chọn bởi đó là những vấn đề có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn về mặt xã hội, được dư luận phản ánh nhiều thời gian qua.
Dựa trên kết quả từ 850 phiếu khảo sát giáo viên và phụ huynh của 3 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các chuyên gia cho biết: Trong tuyển sinh đầu cấp, có 60% phụ huynh phải nhờ các nguồn trợ giúp khi xin cho con học trái tuyến và 33% giáo viên thừa nhận từng giúp đỡ cho con em người quen vào học trái tuyến. Khi vào trường, phụ huynh dù đúng hay trái tuyến, thường phải chi nhiều khoản khác nhau. Điều mà các nhà nghiên cứu muốn lưu ý là: "Có tới 70% số phụ huynh cho rằng bỏ thêm chi phí cho con vào trường tốt là chuyện bình thường và người quen của họ đều làm như thế".
Khi được đề nghị đưa ra lời khuyên, có hơn 47% số phụ huynh có ý "chi thêm tiền để xin học trái tuyến là phù hợp", hơn 61% khẳng định "kể cả trường đúng tuyến, nếu tốt, thì việc bỏ thêm chi phí xin học là chấp nhận được". Mặc dù gọi các hiện tượng tiềm ẩn tham nhũng kể trên, về cơ bản, là tham nhũng "nhỏ", song đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng thái độ chấp nhận các khoản chi đang ảnh hưởng nặng nề tới xã hội và làm cản trở công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh thu nhập thấp, từ góc độ giáo viên, sự chấp nhận của xã hội đối với các hành vi "mờ" chính là một sức ép thúc đẩy các dạng tham nhũng. Ngoài ra, họ còn chịu sức ép của đồng nghiệp vì "mọi người như thế cả - mình phản đối sẽ bị cô lập". Đó cũng là điều mà các chuyên gia của UNICEF muốn nhấn mạnh. Ông Muriel Poisson, đại diện của Viện Quốc tế về kế hoạch hóa giáo dục (IIEP) minh họa cho những hiện tượng "tiềm ẩn tham nhũng" nhưng lại được nhiều người Việt Nam cho là bình thường bằng một gợi ý: "Khi giáo viên nhận từ học sinh hộp bánh có trị giá bằng một ngày lương, đó có phải là hành vi tham nhũng hay không?".
Về phía phụ huynh, sự "bình thường hóa" các hiện tượng kể trên một phần bởi quan niệm quá nặng nề về các chỉ số bề nổi như điểm số, trường điểm trong khi lại mất niềm tin ở một số khía cạnh của hệ thống đào tạo chính thống. Cuối cùng, họ tham gia vào vòng luẩn quẩn: vừa là chủ thể, vừa là nạn nhân của sức ép tham nhũng.
Cạnh tranh bằng văn hóa
Đại diện nhóm nghiên cứu của T&C Consulting cho rằng cần phải tạo ra sức ép xã hội đối với nhà trường bằng cách để cho phụ huynh "chấm điểm" trường dựa trên tiêu chí tuân thủ các chính sách tuyển sinh, thu phí, dạy - học thêm. Điều đó tạo điều kiện cho các trường cạnh tranh, không chỉ về chuyên môn mà cả về văn hóa. Về phía phụ huynh, họ cần được tuyên truyền về mặt trái của "chạy trường". Chẳng hạn, cần có các nghiên cứu để chỉ ra liệu việc học thêm có tốt hơn cho học sinh hay không? Phụ huynh cũng cần phải nắm vững các chính sách liên quan tới giáo dục. Bởi có nhiều người thậm chí không nắm được con mình học đúng tuyến là ở đâu. Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, ví dụ như Hội Phụ nữ với con số minh họa: 80% số người có thể trả lời nội dung các phiếu điều tra là những bà mẹ.
Cũng tại hội thảo, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Phạm Văn Tại không phủ nhận rằng hình thức và quy mô những hiện tượng tiêu cực liên quan tới tuyển sinh đầu cấp, dạy - học thêm, thu phí trái quy định đang xảy ra ở tất cả cấp học. Ông cho biết thêm, còn có một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao như: tuyển sinh, tuyển dụng nhà giáo, cán bộ quản lý, thành lập cơ sở giáo dục, cấp phép mở mã ngành đào tạo, phân bổ kinh phí, quản lý các nguồn thu, dạy thêm, học thêm... Những lĩnh vực nói trên hiện đã được Bộ chú trọng, thể hiện ở việc cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các văn bản quy định cụ thể…
Trong hai ngày tới, các đại biểu sẽ tiếp tục chia sẻ quan niệm, kiến thức và công cụ đối phó với tham những trong lĩnh vực giáo dục. Mục tiêu cuối cùng là các bên có liên quan sẽ cùng cam kết và hành động để xây dựng một chương trình đáp ứng nhu cầu về chống tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.