Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều ngành vẫn bế tắc

Quỳnh Phạm| 20/09/2011 06:52

(HNM) - Hôm nay (20-9) theo quy định, các trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 và công bố điều kiện xét tuyển nguyện vọng 3. Kết thúc một đợt xét tuyển, những thí sinh chưa may mắn đã có thêm kinh nghiệm để tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở đợt tiếp theo trong khi vẫn có nhiều ngành học không thấy triển vọng sáng sủa nào về nguồn tuyển.

Vẫn khó khăn nguồn tuyển

Sự bế tắc về nguồn tuyển đang khiến cho nhiều trường có nguy cơ không thể mở lớp đào tạo một số ngành, ngay cả với các ngành học trọng điểm. ĐH Nha Trang có một vài ngành truyền thống ra đời từ khi còn là Trường ĐH Thủy sản, nhưng tuyển được rất ít thí sinh (TS). Ngành Kỹ thuật khai thác thủy sản mới có 13 TS trúng tuyển sau khi xét cả nguyện vọng 1 và 2 trong khi cần tới 20 sinh viên để mở lớp đào tạo. Một số ngành khác cũng không khá hơn là Điều khiển tàu biển, An toàn hàng hải, Kinh tế quản lý thủy sản... chỉ có vài người trúng tuyển nguyện vọng 1 và rất ít hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 dù chỉ tuyển ở mức điểm sàn. Nhóm ngành xã hội - nhân văn cũng là những ngành truyền thống của Trường ĐH Văn Hiến, song số TS trúng tuyển ở ngành văn học mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 2, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn 2 ngành không tuyển đủ chỉ tiêu là Sư phạm kỹ thuật công nghiệp và Công nghệ thiết bị trường học. Đến hết ngày 15-9, ngành Công nghệ hạt nhân của Trường ĐH KHTN (ĐH QG Hà Nội) mới tuyển được 6 TS trong khi chỉ tiêu là 25.

Hướng dẫn thí sinh làm thủ tục xét tuyển nguyện vọng 2, 3 tại Trường ĐH Dân lập Đông Đô. Ảnh: Phương An

Giải pháp của hầu hết các ngành thiếu người học là tuyển nguyện vọng 3. Tuy nhiên, một số trường không trông chờ vào nguồn tuyển đó vì không muốn việc tuyển sinh bị kéo dài, ảnh hưởng tới quá trình đào tạo, trong khi không chắc có thêm TS tâm huyết từ "cửa" này. Theo chuyên gia tuyển sinh của một số trường, với những ngành học tuyển được quá ít TS, không đủ kinh phí để đào tạo, nhà trường sẽ vận động để các em chuyển sang các ngành đủ điểm.

Trước những khó khăn về nguồn tuyển, bên cạnh việc thu hút người học bằng nhiều ưu đãi hấp dẫn, trong đợt xét tuyển nguyện vọng 2, có trường đã "giữ chân" TS bằng các quy định riêng khiến Bộ GD-ĐT phải can thiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em. Có trường đã "gây khó" TS khi rút ngắn thời gian được rút hồ sơ hoặc yêu cầu họ phải có đơn xin rút, 3 ngày sau mới trả lại hồ sơ.

Lúng túng với quy định công khai

Về phía các TS tiếp tục cuộc đua nguyện vọng 3, những băn khoăn vẫn còn đó khi quy định về công khai thông tin hồ sơ đăng ký xét tuyển vẫn chưa thực sự phát huy tính ưu việt. Có trường khi gần hết đợt nhận hồ sơ mới bắt đầu công bố danh sách như ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Thống kê của các trường không thống nhất, chưa rõ ràng, khiến TS lúng túng. Chỉ một số ít trường như các trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đưa lên website bảng thống kê rõ ràng, thân thiện. Còn phần lớn các trường vẫn "trộn" hàng nghìn hồ sơ vào một danh sách. TS phải có kỹ năng sử dụng phần mềm Exel mới có thể nhanh chóng xác định khả năng đỗ hay trượt của mình. Nếu không, các em thường phải căng mắt lọc từng dòng mã ngành để xác định thứ tự theo ngành mình đăng ký. May mắn thì có trường tính giúp cho thí sinh điểm xét tuyển (đã cộng điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng). Nếu trường "lười" thì TS lại phải tính điểm ưu tiên của từng hồ sơ trong ngành mình đăng ký để tự xây dựng cột điểm xét tuyển, từ đó xác định xem mình ở vị trí bao nhiêu trong danh sách.

Thậm chí, theo cách thông tin của Trường ĐH Hàng hải thì kỹ năng dùng Exel cũng trở thành vô ích vì trường này đưa lên trang web các bức hình chụp lại danh sách đăng ký. Ngoài ra, cho tới khi hết hạn nhận hồ sơ, ngày 15-9, nhà trường mới chỉ công bố số liệu tới ngày 9-9.

Có những trường như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Quốc tế Bắc Hà, không hiểu vô tình hay cố ý đã "gây khó" cho TS khi yêu cầu phải nhập số báo danh để có thông tin về hồ sơ đã nộp. Điều đáng nói hơn, thông tin TS có được chỉ là một dòng dữ liệu của riêng TS đó chứ không phải là bảng thống kê toàn bộ hồ sơ. Có TS của ĐH Công nghiệp Hà Nội phàn nàn: Mặc dù có thông tin về "vị trí", được hiểu là thứ tự hồ sơ theo điểm từ cao xuống thấp, song không ai biết được có bao nhiêu người có cùng điểm thi với mình. Trong khi với mức điểm mấp mé mức đỗ hay trượt thì đó là thông tin quan trọng, liên quan tới quyết định rút hồ sơ hay không.

Trước những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Có thể do lần đầu thực hiện việc công khai hồ sơ nên một số trường gặp khó khăn về phần mềm công nghệ thông tin, hay lượng hồ sơ những ngày đầu chưa nhiều nên trường chưa cập nhật.

Bước vào cuộc đua tiếp, hy vọng các trường tham gia xét tuyển nguyện vọng 3 kịp thời điều chỉnh các bất cập nói trên nhằm bảo đảm quyền lợi cho TS, tạo môi trường xét tuyển lành mạnh, công khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngành vẫn bế tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.